Gà đồi Hoài Ân đặc sản vùng trung du Bình Định
Xã hội - Ngày đăng : 22:14, 25/01/2021
Huyện Hoài Ân là vùng bán sơn địa, địa hình đa dạng, đồi núi xen kẽ với đồng bằng, thung lũng. Trên địa bàn huyện có 2 sông lớn là Kim Sơn (62km) và An Lão (20 km). Hai con sông này gặp nhau tại Phú Văn (xã Ân Thạnh) và hợp thành dòng sông Lại Giang đổ ra cửa An Dũ (phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn). Hai dòng sông này chảy quanh co, uốn lượn hình thành các bãi bồi và cánh đồng màu mỡ phù sa.
Bởi địa hình đa dạng, đồi núi xen kẽ, Hoài Ân nhanh chóng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, biến những vùng đồi núi thành những mảnh đất màu mỡ hái ra tiền trên những quả đồi xanh non mơn mởn của cây ăn quả có giá trị kinh tế cho thu nhập cao hay những đàn gà rong chơi giữa núi đồi xanh biếc.
Hoài Ân nhanh chóng chuyển đổi giống vật nuôi phát triển kinh tế |
Nhận thấy tiềm năng về kinh tế vườn của vùng đất trung du đang ngủ yên, chính quyền huyện Hoài Ân đánh thức tiềm năng vùng đất quê hương bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân chọn giống gà ta nuôi thích hợp với mô hình nuôi gà thả đồi thay vì nuôi gà nhốt chuồng. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và trở thành động lực phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Gà thả đồi đang phát triển mạnh tại huyện Hoài Ân |
Từ mục tiêu đó, phong trào nuôi gà ta thả đồi phát triển mạnh, nhân rộng mô hình trên toàn huyện Hoài Ân, trở thành địa phương đi đầu trong phong trào nuôi gà ta thả đồi tại Bình Định tạo được tên thương hiệu mỗi khi nhắc đến gà đồi Hoài Ân Bình Định.
Người tiên phong nuôi gà ta thả đồi ở Hoài Ân là ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây. Ông Rõ vốn người dân quê biển ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn. Ban đầu, ông thuê của UBND xã Ân Tường Tây 4ha đất khô cằn sỏi đá nằm lưng chừng đồi Gò Loi để trồng rừng kết hợp chăn nuôi tổng hợp.
Trại gò đồi Gò Loi của ông Mai Văn Rõ |
Hết hợp đồng thuê đất, ông mua dần những diện tích đất của người dân địa phương, đến nay ông sở hữu khoảng 10ha đất đồi. Sau này, ông chuyển hẳn sang nuôi gà ta thả đồi. Ban đầu, ông nuôi vài trăm con, sau tăng dần lên nghìn con, rồi vài ba nghìn con. Đến nay, ông Rõ đang sở hữu hàng chục dãy chuồng với đàn gà ta hơn 30.000 con.
Chúng tôi có dịp về thăm đàn gà thả đồi của ông Mai Văn Rõ không khỏi ngạc nhiên trước số lượng đàn gà thả đồi trong vườn lên đến hàng chục nghìn con. Những chú gà có màu lông ngũ sắc đang đủng đỉnh mổ những hạt thức ăn ở dưới đất, xung quanh cây xanh trồng xen kẽ nhau, đàn gà túm tụm từng nhóm đứng rỉa lông, rỉa cánh, chốc chốc lại mổ nhau chí chóe.
15 dãy chuồng nuôi gà đồi |
Đàn gà chỉ quanh quẩn xung quanh khu vườn và rất hạn chế chạy ra ngoài. Khu vườn được rào kỹ càng bằng dây thép và chúng chỉ ăn, chơi, đi dạo bên trong khu vườn đã được bảo vệ bởi sự chăm sóc của chủ vườn.
Giống gà này có điểm kỳ thú, chúng nuôi thả tự do đi lại, không bị nhốt trong chuồng, gia chủ tận dụng nguồn thức ăn bên ngoài từ thiên nhiên trên đồi để nuôi chúng nên thịt gà săn chắc và thơm ngon hơn so với giống gà nuôi nhốt chuồng. Gà thả đồi Hoài Ân thường chia làm hai loại là gà lông màu và gà mía.
Gà sống thích nghi với môi trường xung quanh, nếu trời mùa chúng tự tìm chỗ trú hoặc chạy vào chuồng |
Gà thả đồi không chỉ ăn cám thông thường mà còn ăn lá cây thảo dược, cây cỏ thuốc nam để phòng bệnh cho gà không bị mắc các dịch bệnh. Những lúc bị bệnh nặng, gà vẫn phải dùng thuốc kháng sinh nhưng chủ yếu chúng đều được bảo vệ sức đề kháng hàng ngày nhờ các giống cây thảo dược, thuốc nam. Bởi vậy, gà da vàng, thịt thơm ngon, hương vị rất đặc biệt chỉ có ở gà đồi Hoài Ân.
Chia sẻ với PV Báo TN&MT, anh Nguyễn Giang Trí con rể của ông Mai Văn Rõ chủ Trại gà đồi Gò Loi cho biết: Trại gà gồm 15 dãy chuồng với 30.000 con gà trên khu vườn thả đồi rộng 10ha, gồm giống gà lông màu và gà mía. Mỗi tháng suất bán 6.000 con, vào dịp tết lên đến 7.000 – 8.000 con với giá giao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên giá gà bị giảm mạnh.
Anh Nguyễn Giang Trí con rể của ông Mai Văn Rõ chủ Trại gà đồi Gò Loi chia sẻ về nuôi gà đồi |
Anh Trí chia sẻ thêm: Gia đình đã nuôi gà 10 năm, nhưng chuyển sang nuôi gà đồi chỉ vài năm nay. Khu vườn trước kia trồng keo, phá đi để nuôi gà dưới chân núi Gò Loi. Giống gà này đầu tư chi phí lớn hơn nuôi gà nhốt chuồng. Nhưng mình muôi số lượng lớn, quy mô lớn thì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Trí tiếp lời: Đặc tính giống gà này nuôi thả rông, ăn cám, ăn thảo dược, men vi sinh, thuốc bắc tăng sức kháng thể và tăng chất lượng gà thơm ngon hơn. Ngoài ra, chúng có thể ăn thêm bả bia, các loại bắp ngô tạo màu vàng trên da gà, nên da gà đồi Hoài Ân có màu vàng óng ánh rất đặc trưng. Đến nay, ba tôi đã xây dựng thành công mô hình Hợp tác xã Gà đồi Gò Loi để hội viên giúp đỡ nhau cùng phát triển nghề chăn nuôi mới mẻ này.
Huyện Hoài Ân thực hiện lộ trình để làm chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gà đồi Hoài Ân |
Chính bởi lẽ đó, gà đồi Hoài Ân đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng tại vùng đất Bình Định. Vì thế, huyện Hoài Ân thực hiện lộ trình để làm chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gà đồi Hoài Ân, tạo bước tiến đưa sản phẩm gà đồi Hoài Ân ra thị trường trong và ngoài nước với niềm tự hào về vùng đất trung du của tỉnh Bình Định.