Xử lý hàng nghìn phản ánh về ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 20:34, 19/01/2021

(TN&MT) - Nhằm tạo bước chuyển biến trong việc ứng phó, xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, Tổng cục Môi trường đã tổ chức lập, vận hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống đường dây nóng đã góp phần phát hiện, xử lý hàng nghìn vấn đề, điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước.

Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc đã được Tổng cục Môi trường phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời. Tổng cục cũng chủ động tham mưu để Bộ TN&MT xử lý nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh như Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại các xã Phú Phúc, Hòa Hậu (Lý Nhân - Hà Nam) chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Đoàn ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội tố cáo Công ty Cổ phần thiết bị môi trường 13 có hành vi vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển, xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại, rác thải y tế…

Tổng cục đã kiểm soát chặt chẽ môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn thải

Qua theo dõi cho thấy, các thông tin về ô nhiễm môi trường chủ yếu tập trung vào các vụ việc gây ô nhiễm mùi, tiếng ồn, xả thải nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; hoặc các điểm bị ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm như các bãi rác, hệ thống sông, kênh, rạch. Có tới 70% số vụ việc phản ánh liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi; 20% số vụ việc liên quan đến ô nhiễm nước thải và 10% liên quan đến ô nhiễm do chất thải rắn. Hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương và Tổng cục Môi trường đã chuyển tới đường dây nóng của Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh, thành phố hoặc chuyển tới các đơn vị trực thuộc ngay khi nhận được thông tin để đề nghị xác minh, xử lý, phản hồi cho người cung cấp thông tin.

Theo Phó chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thịnh Hiền (đơn vị phụ trách đường dây nóng): Hiện toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thiết lập đường dây nóng. Đa phần các địa phương đều giao Chi cục BVMT trực thuộc Sở là đơn vị đầu mối thực hiện; một số ít địa phương giao cho Thanh tra Sở TN&MT làm đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin. Việc vận hành, duy trì đường dây nóng đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các địa phương trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Sự phối hợp 2 chiều giữa đường dây nóng Tổng cục và đường dây nóng các địa phương ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hệ thống đường dây nóng đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức, cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng và người dân, góp phần phát huy vai trò của người dân trong công tác BVMT.

Có thể thấy, cho đến nay, giải quyết các sự cố môi trường phát sinh đã chuyển từ thế bị động sang chủ động. Hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Đặc biệt, đã phối hợp để tập trung quản lý tốt 20 -30% các đối tượng chính nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đảm bảo các đối tượng này thực hiện tốt công tác BVMT. Qua đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý Nhà nước về BVMT tăng dần qua từng năm. Cụ thể môi trường là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018; tỷ lệ người dân quan tâm đến vấn đề BVMT tăng từ 69% (năm 2017) lên đến 74% (năm 2018).

Linh Chi