Hoàn thiện mạng lưới trọng lực hạng II Quốc gia

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:49, 14/01/2021

(TN&MT) - Xây dựng và hoàn thiện hệ thống trọng lực Quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác điều tra cơ bản ở nước ta.

Theo ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, hệ thống trọng lực ở nước ta đã được xây dựng và hiện đại hóa trong giai đoạn 1973 - 1988. Trong thời gian đó, hệ thống trọng lực đã đóng góp vai trò đáng kể, đáp ứng kịp thời cho công tác phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học không chỉ cho các ngành trắc địa bản đồ mà còn nhiều ngành khoa học khác. Tuy vậy, từ năm 1988 tới nay, các điểm trọng lực trên toàn quốc bị hư hỏng và mất quá nhiều dẫn tới nhiều nhiệm vụ không được triển khai giải quyết kịp thời. 

Mặt khác, hệ thống các điểm trọng lực cơ sở và hạng I của Việt Nam đã được Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ kết hợp với các chuyên gia Liên Bang Nga đo cách đây 8 năm. Nhưng mật độ các điểm cơ sở và hạng I so với toàn lãnh thổ Việt Nam còn rất thưa chỉ với khoảng cách các điểm cơ sở từ 400 - 700 km, các điểm hạng I là 200 - 300 km. Cùng với đó, hệ thống các điểm hạng III được bố trí theo từng tuyến, không trải đều trung bình theo mật độ cũng gây khó khăn cho việc đo truyền các giá trị trọng lực đến các vị trí cần xác định.

Vì vậy, căn cứ theo chủ trương và quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/03/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ cùng với thực tế mạng lưới trọng lực Quốc gia và nhu cầu sử dụng tư liệu trọng lực trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, việc xây dựng mạng lưới trọng lực hạng II rất cần thiết cho nhu cầu sử dụng thực tế cũng như công tác quản lý nhà nước về số liệu gốc của các mạng lưới đo đạc quốc gia.

Xuất phát từ thực tiễn, Bộ TN&MT đã phê duyệt Dự án: “Xây dựng mạng lưới trọng lực hạng II Quốc gia” giao cho Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện trong từ năm 2021 - 2023.

Ông Nguyễn Phi Sơn cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đang tích cực triển khai thực hiện các hạng mục liên quan của Dự án. Đi đôi với việc thực hiện các dự án về điều tra cơ bản khác như: xây dựng hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia, xây dựng hệ thống bản đồ phủ trùm…, dự án trọng lực sẽ phục vụ trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cho nhiều mục đích và đem lại những giá trị khoa học và những lợi ích kinh tế to lớn.

Lắp đặt máy trọng lực hàng không TAGS-6 AIR lên máy bay chuẩn bị cho công tác bay đo trọng lực hàng không

Kết quả thu được từ dự án sẽ phục vụ trực tiếp và mang lại hiệu quả cho các nhiệm vụ cung cấp các số liệu trọng lực đủ độ chính xác để tính các số hiệu chỉnh chuyển hệ thống độ cao hiện tại về hệ độ cao chuẩn thống nhất; thiết lập mặt Geoid chính xác ở Việt Nam để xây dựng các phương án đo cao vệ tinh chính xác ở Việt Nam cũng như giải quyết các bài toán về xây dựng hệ thống tọa độ, độ cao động phục vụ cho nghiên cứu chuyển dịch lục địa, chuyển dịch ngang và đứng của vỏ Trái đất.

Cùng với đó là cơ sở để hợp tác với các nước trong khu vực để thiết lập cơ sở dữ liệu trọng lực thống nhất nhằm phối hợp nghiên cứu xây dựng mô hình Geiod chính xác ở khu vực, thống nhất hệ độ cao và xây dựng trường trọng lực thống nhất.

Đặc biệt, việc triển khai dự án giúp tạo điều kiện để cán bộ viên chức, người lao động của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ làm chủ được quy trình công nghệ đo trọng lực tuyệt đối, giúp khai thác hiệu quả hệ thống thiết bị đo trọng lực tuyệt đối FG5-X đã 56 được nhà nước trang bị. Qua đó làm giảm chi phí phải thuê nước ngoài thực hiện đo trọng lực tuyệt đối.

Việt Khang