Chú trọng phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Dân tộc - Tôn giáo - Ngày đăng : 21:02, 13/01/2021

(TN&MT) - Ngày 13/01, tại Đắk Lắk, đã diễn ra Hội thảo Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn: Trong thời gian tới, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn nữa tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS&MN để “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Quốc Khánh)

Xây dựng đề án để phát triển mạnh mẽ

Theo ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14.118.232 người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Nhưng so với mặt bằng chung của cả nước thì vùng này vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Mục tiêu là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. 

Cùng với đó, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố các tổ chức Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Chính sách mới mang tầm chiến lược

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, các chủ trương, chính sách mới mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn và khả thi, được Quốc hội quyết định bằng Nghị quyết; có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; được quan, tâm bố trí một lượng ngân sách Trung ương khá lớn, cùng với đổi mới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đến dự án tạo sinh kế cho đồng bào.

Đại diện các Bộ, ban, ngành và địa phương tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 triển khai thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, phần nào có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Lượng vốn của Chương trình khá lớn, nhưng vốn cho một hạng mục thì nhỏ, đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù, trong khi nhận thức của người thực hiện và đối tượng thụ hưởng chính sách không đồng đều là một trở ngại không nhỏ khi triển khai thực hiện chính sách.

Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và địa phương đồng chủ trì Hội thảo 

Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trước những thách thức đó, trong thời gian tới, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; xây dựng định mức, tiêu chí phân bổ ngân sách cho thực hiện 10 dự án đến từng địa phương trong quý II năm 2021; trình Quốc hội quyết định phân bổ vốn đầu tư tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị Quyết số 88/2019/QH14 và Nghị Quyết 120/2020/QH14 gồm 13 đầu mục công việc lớn; phấn đấu hết quý II năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành các văn bản hướng dẫn, để sau khi Quốc hội quyết định vốn thì triển khai thực hiện được ngay.

Phạm Hoài