Tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi

Dân tộc - Tôn giáo - Ngày đăng : 12:15, 13/01/2021

(TN&MT) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khi bà chủ trì Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung” diễn ra sang 13/1/2021 tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chủ trì Hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh

Hội thảo do Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức. Hội thảo nhằm triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là sự lan tỏa kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bùi Văn Cường – Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lắk.

Dự hội thảo còn có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc, các Ban, Bộ, Nhành ở Trung ương và các tỉnh thuộc khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung.

Chính sách dân tộc và đã đạt được những thành tựu quan trọng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh và đánh giá cao các đồng chí Trung ương, cùng lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã tham dự Hội nghị. “Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc, với công tác dân tộc, sự phát triển của các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới…” Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Khẳng định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giữ vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái... Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách dân tộc và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng DTTS&MN đã thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng tạo nên sự ổn định, phát triển của các dân tộc.

Đặc biệt trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều khẳng định nhất quán nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Vấn đề dân tộc tiếp tục được Đảng xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng, được chú trọng, đổi mới và được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đại hội XII tiếp tục định hướng chỉ đạo nhằm: “...phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. ...”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, để thể chế Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2020, với sự đồng thuận của 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội nhằm thực hiện Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”. Việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án còn tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với phát triển chung của cả nước.

Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành và địa phương đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Phạm Ngọc Hoài

Đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung, như các đồng chí đều biết: Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và Tây duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh kết nối giữa hai miền Nam - Bắc, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn. Vùng Tây Nguyên có vị trí đặc biệt về chiến lược thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với đường biên giới dài.

“Tây Nguyên được coi là “mái nhà của Đông Dương”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là đầu nguồn của 5 con sông, có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Với đủ 54 thành phần dân tộc, vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản, du lịch” - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh.  

Thống nhất giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội phân tích thêm: Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Tây duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đối với đất nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, đó là: Nghị quyết số 10, Thông báo Kết luận số 148, Kết luận số 12, Kết luận số 25 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ, Tây duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên vào những năm tiếp theo. 

Vì vậy, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hôm nay, chúng ta có Hội nghị quan trọng này là rất cần, rất kịp thời triển khai Nghị quyết của Quốc hội, cũng là trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, cùng bàn, thống nhất giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn một số nhiệm vụ trọng yếu như:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; phấn đấu đến năm 2025 giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất, tập trung vào việc giao rừng, khoán rừng để đồng bào có thể sinh sống được từ nghề rừng. Đồng thời, giải quyết vấn đề thuỷ lợi, hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào lên xây dựng kinh tế mới, chú ý số đồng bào di cư không theo quy hoạch đang gặp khó khăn. Phát huy tinh thần tự lực của người dân; đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.

Thứ hai, phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phát triển mạnh giáo dục, đào tạo hướng vào việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Khống chế có hiệu quả các dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe đồng bào, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh miễn phí, thu hẹp sự chênh lệch về khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý sức khỏe sinh sản của một số cộng đồng dân tộc còn ít người, phòng chống suy dinh dưỡng để nâng cao thể lực, tầm vóc của các cháu, nâng dần chất lượng dân số trong thời kỳ mới.

Thứ ba, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.  Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo, dân tộc, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, tự ti, ly khai, tự trị. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đối ngoại; hợp tác có hiệu quả với Lào, Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới hai nước.

Thứ tư, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt chú ý đến các dân tộc còn rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số; có cơ cấu hợp lý đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử; tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng tạo nguồn cán bộ cho cơ sở; làm tốt công tác dân vận của chính quyền.

Rà soát, bổ sung chương trình hành động của tỉnh thành

Để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Sau hội nghị này, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết đảng bộ tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung sẽ tiến hành rà soát, bổ sung chương trình hành động của tỉnh thành những công việc cụ thể, chúng ta cùng nhau phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, những thiếu sót trong công tác dân tộc, miền núi, hướng về cơ sở, chúng ta cùng nói đi đôi với làm, mà làm thật, để đồng bào tin, đồng bào yêu mến và làm theo.

Muốn thực hiện được các yêu cầu rất cao đó, tôi đề nghị các tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào. Tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.

“Tôi cũng mong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại các  tỉnh trong khu vực này” - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Hội thảo đang tiếp tục diễn ra, phóng viên Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn từ TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục cập nhật đến độc giả trong các bản tin tiếp theo.

Phạm Hoài - Minh Tuấn (lược ghi)