Lai Châu: Chủ động các giải pháp phòng chống rét đậm, rét hại

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:51, 10/01/2021

(TN&MT) - Trước ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh nên tỉnh Lai Châu trời tiếp tục rét đậm, rét hại trên diện rộng; nhiệt độ thấp nhất đợt phổ biến từ 3 - 5 độ C, vùng núi cao từ 0 - 2 độ C. Tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Người dân huyện Tam Đường chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do tác động của thời tiết xấu gây ra, tỉnh Lai Châu yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 04/11/2020 của UBND tỉnh Lai Châu về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2966/UBND-KTN ngày 16/12/2020 về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản và các văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.

Cùng với đó, thành lập ngay các đoàn công tác đến từng thôn, bản và hộ dân để kiếm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống rét cho người dân (đặc biệt là người già và trẻ em, trong trường hợp cần thiết phải kêu gọi, huy động xã hội hóa để đảm bảo quần áo đủ ấm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn) và phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh bảo trên hệ thống loa truyền thanh về diễn biến của thời tiết, khí hậu tới người dân để chủ động phòng chống rét.

Chủ động bố trí ngân sách dự phòng và phương án dự trữ nguồn giống, phân bón để kịp thời khắc phục thiệt hại (nếu có); huy động lực lượng xung kích tại cơ sở, tổ chức xuống địa bàn hỗ trợ người dân triển khai phòng, chống rét. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban nghiêm túc, đúng quy định, đặc biệt trong những ngày nghỉ; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Khi có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thủy sản phải thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Vào những ngày cao điểm, tổng hợp tình hình triển khai, kiểm tra, rà soát, xác minh, thống kê thiệt hại (nếu có) báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước 15h hàng ngày để báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, khắc phục phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm cho người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, học sinh; thực hiện hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, đề phòng các biến chứng về hô hấp và tim mạch; khuyến cáo người dân không đốt củi, đốt than đá sưởi ấm trong phòng kín, tránh sự cố gây cháy và ngộ độc.

Tkinhr Lai Châu yêu cầu các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho vật nuôi.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trời rét đậm, rét hại kéo dài, huyện Tam Đường đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò. ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Đường, người dân các xã trong huyện chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Tam Đường có trên 37.600 con, trong đó đàn trâu trên 7.100 con, bò 200 con, lợn trên 30.000 con. Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp, ở một số xã vùng cao của huyện nhiệt độ xuống thấp phổ biến từ 3 - 5 độ C, vùng núi cao từ 0 - 2 độ C.

Trước thực tế đó, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc như gia cố, che chắn lại chuồng trại ngay từ đầu mùa đông; chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, nhất là thức ăn tinh như cám gạo, cám Ngô... Đồng thời kết hợp mua các loại thuốc, vacxin để tiêm, phun khử trùng phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Anh Giàng A Sình, Phó chủ tịch UBND xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết: Tổng đàn gia súc của xã Tả Lèng, huyện Tam Đường hiện có gần 4.000 con, trong đó đàn trâu trên 850 con, đàn lợn hơn 2.600 con. Trong những năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân xã Tả Lèng đã thay đổi nhận thức, từng bước chuyển từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt kết hợp với trồng cỏ voi, dự trữ rơm khô làm thức ăn cho đàn đại gia súc trong những ngày đông giá rét. Nhờ đó trong 2 năm trở lại đây đàn đại gia súc của xã Tả Lèng phát triển ổn định, không có trâu, bò bị chết do đói, rét.

Nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc nên đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Tam Đường sinh trưởng, phát triển tốt. Tình trạng trâu, bò chết do đói, rét hầu như không còn xảy ra trong mấy năm gần đây. Người dân các xã trong huyện yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Hà Thuận