"Tết sớm" cùng đồng bào người Mông tại Hà Nội

Dân tộc thiểu số - Ngày đăng : 18:34, 10/01/2021

(TN&MT) - Nhằm bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những giá trị tiêu biểu trong văn hóa Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc, ngày 10/1, sự kiện “Tết Mông xuống phố” đã được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) với nhiều hoạt động tái hiện phong tục đón tết mang nét độc đáo riêng của dân tộc Mông. 

Nơi hội ngộ, giao lưu văn hóa

“Tết Mông xuống phố” là sự kiện tết về văn hóa của người Mông được tổ chức hàng năm bởi nhóm sinh viên Mông đang học tập tại Hà Nôi và Câu lạc bộ Sinh viên Mông tại Hà Nội.

Cộng đồng người dân tộc Mông tập trung sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... Tết năm mới truyền thống của họ bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch, thường sớm hơn Tết Nguyên đán của người Việt.

"Tết Mông xuống phố" là sự kiện tết về văn hóa người Mông

Chị Phàng Thị Khia – Trưởng Ban tổ chức sự kiện “Tết Mông xuống phố” cho biết: Nhiều đồng bào dân tộc đang là sinh viên hay người đi làm xa nhà rất khó để có thể về quê sum vầy với gia đình. Sự kiện đã phần nào giúp họ được trải nghiệm văn hóa của dân tộc mình ngay tại nơi mình học tập, làm việc và sinh sống.

Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Mông từ mọi vùng miền hội tụ, giao lưu văn hóa với nhau. Từ đó, giới thiệu cho cộng đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu, trân trọng để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm tấp nập “nam thanh – nữ tú” xúng xín trong những bộ trang phục dân tộc Mông truyền thống. Không gian văn hóa Tết người Mông được tái hiện ngay tại Thủ đô. Người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng và tham gia các chuỗi hoạt động giới thiệu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Cụ thể như trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống; tiết mục văn nghệ văn hóa tái hiện các lễ hội truyền thống ngày Tết của dân tộc Mông; triển lãm ảnh về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và trong những ngày lễ hội của đồng bào người Mông; trải nghiệm các trò chơi truyền thống trong ngày lễ, Tết (đi cà kheo, ném pao, đánh yến, kéo co…); giới thiệu về ẩm thực dân tộc Mông (bánh dày, mèn mén…); các bộ đồ dân tộc, vải dệt thổ cẩm truyền thống, công vụ lao động (cuốc, dao, rựa…) hay nhạc cụ dân tộc (sáo, kèn môi…) cũng được giới thiệu và trưng bày… Đặc biệt, hoạt động truyền thống giã bánh dày – một loại bánh không thể thiếu trong tết của người Mông cũng được tái hiện trong sự kiện.

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống ngày Tết của dân tộc Mông được tái hiện

Sự kiện “Tết Mông xuống phố” năm nay lấy chủ đề “Nhạc cụ - dân ca của người Mông". Công chúng sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc qua phần thi giữa các nhóm sinh viên Mông thuộc nhiều tỉnh thành và trường đại học tại Hà Nội thể hiện. Với đa dạng thể loại nghệ thuật, các đội thi đã mô tả sinh động phong tục tập quán của dân tộc mình, truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến với khán giả.

Tái hiện lại lễ hội Gầu Tào của dân tộc mình, tiết mục múa nghệ thuật của nhóm sinh viên mông tỉnh Lào Cai đã khiến người dân và du khách được trải nghiệm một lễ hội truyền thống cầu bình an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhà nhà yên vui.

“Mỗi lễ hội truyền thống giờ đây đã không chỉ đơn thuần là nơi hội ngộ, thờ cúng linh thiêng, mà còn là nơi để chúng ta cùng nhau kết nối, giao lưu giữa các dân tộc anh em với nhau” – thành viên của nhóm sinh viên mông tỉnh Lào Cai chia sẻ.

Với lối diễn xuất gần gũi, thân thương, đậm chất mộc mạc của dân tộc Mông, thông điệp của nhóm sinh viên Mông tỉnh Cao Bằng khi thể hiện tiết mục kịch “Nkauj sua thiab tub Luj nkawv lub neej” là các cô gái hãy trân trọng bản thân, khi gặp chuyện bất hạnh đừng lựa chọn cái chết với lá ngón để giải thoát.

Sau phần thi múa Hội Gầu Tào đầy ấn tượng, đội thi của tỉnh Lào Cai đã xuất sắc giành giải Nhất. Đội thi của tỉnh Lai Châu với 2 tiết mục đã được Ban Tổ chức trao giải Nhì cùng đội thi tỉnh Sơn La và 1 giải Ba.

Chủ đề "Tết Mông xuống phố 2021" là Nhạc cụ - Dân ca của người Mông

Bảo tồn giá trị truyền thống

Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình qua tiếng khèn, tiếng sáo với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.

Chia sẻ về không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông tại sự kiện, chú Nguyễn Văn Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Tết truyền thống của người Mông thời nay đã có nhiều thay đổi với trước, nhiều nơi phong tục cũng mai một và được rút gọn đi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng nhờ tiếng khèn, những làn điệu dân ca truyền thống của người Mông, không khí Tết vẫn vẹn đầy, ai cũng hân hoan vui tết, nó như một thứ thiêng liêng, moi người qua đó sẽ xóa bỏ rào cản để tới gần nhau hơn”.

Các gian hàng trưng bày cũng đều là những sản phẩm truyền thống của dân tộc, du khách được chiêm ngưỡng những chiếc khèn, chiếc sáo đa dạng với đủ màu sắc, kiểu dáng, kích thước, hoa văn khác nhau của đồng bào dân tộc Mông.

Là người yêu mến văn hóa truyền thống dân tộc, bà Bùi Thị Hảo (Cao Bằng) vui mừng vì những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc đang ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm hơn. “Giữ gìn văn hóa truyền thống không những để cho lớp người cao tuổi vẫn được sống trong không khí Tết truyền thống, mà để còn để thế hệ trẻ cũng nhưng con cháu sau này hiểu và bảo tồn truyền thống nghìn năm lưu truyền của dân tộc”.

Phần thi "Tub – Nxhais Vam Meej 2021" (Nam – nữ thanh lịch) trong sự kiện “Tết Mông xuống phố” là phần thi của các bạn thí sinh về tài năng nghệ thuật, sự am hiểu về văn hóa, dân ca nhạc cụ của người Mông. Đặc biệt, cuộc thi có phần trình diễn dạ hội do Sa Binh Art tài trợ, sử dụng chất liệu họa tiết hoa văn, nghệ thuật vẽ sáp ong của người Mông.

Ngọc Trâm - Hoàng Minh