Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2021
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:55, 28/12/2020
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ; cán bộ làm công tác thanh tra trực thuộc Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhìn nhận lại kết quả công tác thanh tra năm 2020, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, trong năm 2020, Bộ đã bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường. Qua đó, kết quả thanh, kiểm tra đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về tài nguyên và môi trường, trong đó, nhất là về lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ cũng đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Bên cạnh đó, từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhận thức và chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, năm 2020 là một năm rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lụt liên tục tại khu vực miền Trung, do đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực trong việc cắt giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra để nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở kế hoạch điều chỉnh đã được Bộ phê duyệt, đến nay, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai được 100% số cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra do Bộ chủ trì, trước khi triển khai Bộ đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, nhờ đó, đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất của năm 2020 đã được tăng lên là 56 cuộc trên tổng số 137 cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện (chiếm 40%).
Chánh Thanh tra Bộ Lê Vũ Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy chế làm việc của Chính phủ, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm; việc đối thoại, hướng dẫn, giải thích. Đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp tục kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội…
Cụ thể, trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện được 137 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 56 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất - bằng 40% số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện) đối với 461 tổ chức (giảm 319 tổ chức so với năm 2019). Trong đó, có 02 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 113 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, 22 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, ngoài ra, tổ chức thực hiện giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra theo quy định. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 106 tổ chức với tổng số tiền là 17 tỷ 234 triệu đồng.
Năm 2020, Bộ phận tiếp công dân đã tiếp 278 lượt với 532 người của 117 vụ việc (có 161 vụ việc cũ và 117 vụ việc mới phát sinh), trong đó, có 35 lượt đoàn đông người (258 người).
Về công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, năm 2020, Bộ tiếp nhận 3.840 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; trong đó, đơn thuộc lĩnh vực đất đai là 3.658 đơn (chiếm 95,26%) tổng số đơn nhận được (còn lại thuộc lĩnh vực môi trường và khoáng sản). Số đơn đủ điều kiện xử lý là 1.821 gồm có: 23 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; 26 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ; 2 vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng và 23 vụ việc đã có quyết định giải quyết lần hai của địa phương; 1.747 vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương (chiếm 96,0 % số vụ việc)…
Quang cảnh Hội nghị |
Về tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tài nguyên và môi trường qua đường dây nóng, năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 1.123 thông tin; có 116 thông tin trùng; hướng dẫn trực tiếp 580 thông tin, ban hành 231 văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Bộ, còn 196 thông tin đang xử lý.
Ngoài ra, Bộ đã xây dựng và triển khai áp dụng cơ sở dữ liệu đơn thư; đồng thời, đã cung cấp cho Thanh tra Chính phủ dữ liệu của hơn 10.000 vụ việc để đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu đơn thư của cả nước. Hiện tại, Bộ đang tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống đến các địa phương và hướng tới sẽ áp dụng trong toàn ngành.Qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương và các địa phương nắm bắt kịp thời và có biện pháp giải quyết thống nhất.
Về nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2021 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020 của Bộ để xâ dựng thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 với các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021, xác định khoảng 60-70% nhiệm vụ dự phòng tương ứng với nguồn kinh phí và nguồn nhân lực để bố trí phục vụ cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tham gia phối hợp với các đơn vị khác trong công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.
Cụ thể lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với các dự án khu đô thị; dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với các dự án không đưa đất vào sự dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa (theo nội dung “Đề án tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020").
Lĩnh vực môi trường sẽ tThanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các tổ chức được cấp phép hành nghề hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sẽ thực hiện nghiêm Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả.
Đồng thời, tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận về toàn bộ hoạt động công tác thanh kiểm tra trong thời gian qua, từ đó, đề ra giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng thời, đóng góp các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh kiểm tra, trong đó tập trung vào những giải pháp khắc phục vướng mắc hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật, sự phối hợp trong công tác thanh kiểm tra giữa các đơn vị nhằm thực hiện tốt hơn công tác này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của công tác thanh tra kiểm tra của thanh tra Bộ và thanh tra các đơn vị trực thuộc.
Thứ trưởng cho rằng, năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo ngành và sự quyết tâm của từng đơn vị, Bộ đã chỉ đạo triển khai công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra cũng đã từng bước được đổi mới đáp ứng được với yêu cầu thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai theo quy định.
Thứ trưởng đề nghị, Thanh tra Bộ tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu trên cơ sở đó đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng làm việc với các Bộ ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi triển khai công tác thanh kiểm tra ở địa phương.
Đối với một số nội dung thanh kiểm tra còn chồng chéo giữa các đơn vị, Thứ trưởng đề nghị xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, giữa Bộ với các địa phương trong công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Đồng thời, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng thanh tra, kiểm tra và liên tục cập nhật thông tin, thường xuyên trao đổi giữa Bộ với Sở TN&MT để phục vụ công tác theo dõi, tổng hợp xây dựng kế hoạch hàng năm đảm bảo “đúng", “trúng” các vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ngành TN&MT.