Xây dựng mô hình làng xã các-bon thấp

Xã hội - Ngày đăng : 11:16, 22/12/2020

(TN&MT) - Thời gian qua, mô hình cộng đồng, làng xã các-bon thấp đã được thí điểm tại 2 xã Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội) và Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định). Đây là cơ sở để các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) Và Viện KH&CN Quân sự triển khai Đề tài “Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã các-bon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ (Mã số BĐKH.02/16-20).

Hình thành bộ tiêu chí đánh giá

Xã Hải Đông và Lam Điền là hai khu vực dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, trong đó Lam Điền đặc trưng bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa nông thôn, trong khi Hải Đông đặc trưng cho vùng nông thôn ven biển thuộc một trong những vùng chịu tác động tiêu cực nhất của BĐKH ở vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Về khía cạnh kinh tế - xã hội, đây là những xã có sinh kế điển hình tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ là nông nghiệp và chăn nuôi.

Nghiên cứu này đã xây dựng Bộ tiêu chí gồm 3 nguồn vốn, 17 tiêu chí và 52 chỉ số. Nguồn vốn tự nhiên gồm tiêu chí sử dụng đất và 11 chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất. Nguồn vốn xã hội gồm 9 tiêu chí và 21 chỉ số (thu nhập, tỷ lệ người nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm; giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, chính sách phòng chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp các-bon thấp). Nguồn vốn cơ sở hạ tầng gồm 7 tiêu chí và 20 chỉ số (giao thông, thủy lợi, nhà ở, điện, cơ sở vật chất cộng đồng sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai; hệ thống thông tin liên lạc, năng lượng).

Ba nguồn vốn này bao gồm toàn bộ các thành phần cấu thành nên xã hội kể cả về tự nhiên - con người - các tổng hòa các mối quan hệ và phát triển kinh tế của từng đơn vị trong phạm vi nghiên cứu. Ngoài ra các thành phần và hàm lượng phát thải các-bon đã được làm rõ và tính toán. Bộ tiêu chí được sử dụng làm công cụ tính toán, đánh giá sức chống chịu và phát thải khí nhà kính cho mô hình cộng đồng thí điểm tại 2 xã Lam Điền và Hải Đông.

Hệ thống xử lý nước thải giàu chất hữu cơ, phục vụ quay vòng tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MH

Lựa chọn giải pháp kỹ thuật khả thi

Hai mô hình trình diễn bao gồm Tổ hợp các giải pháp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu. Việc áp dụng các mô hình kĩ thuật giúp cắt giảm năng lượng đun nấu, tiết kiệm nước, giải quyết được vấn đề chất thải rắn, nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời giảm thiểu phát thải CO2, nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH. Hiệu quả kinh tế thể hiện việc tăng thu nhập sau khi áp dụng các mô hình công nghệ.

Cụ thể các mô hình đã giúp thu nhập trung bình của người dân 2 xã Lam Điền và Hải Đông tăng lần lượt 835.237 đ/người/năm và 721.675 đ/người/năm. Sức chống chịu của 2 xã Lam Điền tăng từ 0,59 lên 0,63; của Hải Đông tăng từ 0,63 lên 0,66, chủ yếu dựa vào các tiêu chí về môi trường và năng lượng, giảm lượng phát thải          các-bon.

Bên cạnh đó, chuỗi các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền nâng cao nhận thức về cộng đồng các-bon thấp và chống chịu BĐKH, các giải pháp quản lý rác thải, cải thiện hiệu suất sử dụng nguồn tài nguyên cũng đã được tổ chức tại xã Lam Điền và xã Hải Đông. Thông qua việc triển khai mô hình trình diễn đã giúp cho người dân địa phương hiểu được một cách trực quan về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng chống chịu với BĐKH.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình hệ thống thu gom, lưu trữ và xử lý nước mưa tích hợp với đun nóng nước sử dụng năng lượng mặt trời được đề xuất áp dụng cho tất cả các xã nông thôn vùng đồng bằng trên toàn quốc. Mô hình hệ thống chuyển hoá chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt thành khí sinh học, mô hình xử lý nước thải giàu chất hữu cơ và mô hình sử dụng than sinh học, các chế phẩm từ cặn thải, dịch của biogas cải tạo đất được đề xuất áp dụng đối với các xã có trang trại chăn nuôi lợn trên cả nước.        

Trung Nguyên