Đề xuất chuyển đổi nông nghiệp vùng đồi núi Bắc Trung Bộ
Kinh tế - Ngày đăng : 11:16, 22/12/2020
Đây là hướng đi khả thi cho ngành nông nghiệp các địa phương, bởi tác động của biến đổi khí hậu đang khiến năng suất cây trồng ngày càng suy giảm.
Chế độ nhiệt, mưa thay đổi, gia tăng suy thoái đất
Đề tài được triển khai tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Qua 3 năm (2016 - 2019), nghiên cứu cho thấy, tại vùng đồi núi Bắc Trung Bộ, giai đoạn 1985 - 2015 nhiệt độ có xu hướng tăng, lượng mưa tăng nhưng phân bố không đều. Hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp của vùng, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, giảm năng suất, thay đổi cơ cấu cây trồng và tăng nguy cơ xuất hiện các loại sâu bệnh hại trên cây trồng.
Quá trình canh tác các loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, mía, sắn, lạc), đất sản xuất nông nghiệp đang đối diện với quá trình thoái hóa đất như: suy giảm độ phì, đất bị xói mòn, khô hạn, hoang mạc hóa, kết von, lũ quét sạt lở... Trong đó, diện tích đất bị xói mòn là 692,516 ha chiếm 13,57% tổng diện tích đất tự nhiên của vùng; diện tích đất khô hạn chiếm tỷ lệ rất cao với 59,03% tổng diện tích đất tự nhiên (3.098,146 ha). Sự suy thoái đất làm suy giảm khả năng sản xuất của đất và giảm diện tích đất canh tác, là nguyên nhân làm năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Nghiên cứu thực địa cho thấy, diện tích các loại cây trồng chủ lực phân bổ không đồng đều giữa các huyện trong vùng. Diện tích canh tác của các nông hộ nhỏ do ruộng đất còn manh mún, năng suất cây trồng chưa cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích cây trồng được bón phân hữu cơ rất thấp, thường tập trung quá nhiều vào phân đạm và lân mà coi nhẹ phân kali, dẫn đến chi phí cho phân bón cao, hiệu quả đầu tư thấp.
Tuyển chọn một số giống cây trồng chủ lực cho vùng đồi núi Bắc Trung Bộ. Ảnh: MH |
Chuyển đổi giống cây và phương thức sản xuất
Qua nghiên cứu, Đề tài đã tuyển chọn một số giống cây trồng chủ lực cho vùng đồi núi Bắc Trung Bộ. Đó là 2 giống lúa, gồm lúa lai Thái Xuyên 111 và lúa thuần Lam Sơn 8; 2 giống ngô, gồm ngô tẻ VN 8960 và ngô nếp Fancy111; 1 giống sắn KM 140; 1 giống mía My 55-14 và 1 giống lạc L14.
Song song với lựa chọn giống, Đề tài cũng đề xuất, ứng dụng một số công nghệ canh tác tiên tiến và xây dựng thành quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các loại cây trồng chủ lực dễ áp dụng và phù hợp với điều kiện vùng đồi núi Bắc Trung Bộ. Đối với cấy lúa, áp dụng cấy giống chịu hạn, cấy hàng rộng hàng hẹp, bón phân viên nén dúi sâu. Đối với cây ngô sẽ trồng giống chịu hạn, che phủ đất bằng xác thực vật, trồng xen lạc, bón phân hữu cơ vi sinh. Cây mía và sắn áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng giống chịu hạn, che phủ đất bằng xác thực vật, trồng xen lạc, bón phân hữu cơ vi sinh thay thế phân chuồng.
Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được 6 mô hình tích hợp các công nghệ canh tác tiên tiến. Bao gồm: 2 mô hình lúa với quy mô 1 ha/mô hình; 2 mô hình ngô với quy mô 1 ha/mô hình; 1 mô hình sắn 5 ha; 1 mô hình mía 5 ha.
Kết quả cho thấy, mô hình canh tác lúa lai cho năng suất 75,6 tạ/ha, lãi thuần đạt 17.700.000 đồng. Mô hình canh tác lúa thuần đạt năng suất 67,4 tạ/ha và lãi thuần đạt 22.032.000 đồng.
Mô hình trồng ngô tẻ cho năng suất 79,8 tạ/ha, đạt lãi thuần 30.096.000 đồng. Mô hình trồng ngô nếp cho năng suất 75,5 tạ/ha và lãi thuần khá cao với 46.110.000 đồng.
Mô hình canh tác mía đạt năng suất trung bình 88,5 tấn/ha và lãi thuần đạt 54.005.000 đồng. Mô hình canh tác sắn đạt 45,4 tấn/ha, lãi thuần là 49.770.000 đồng.
Các biện pháp kỹ thuật cải tiến áp dụng cho mô hình được xác định trên cơ sở phân tích kết quả điều tra tình hình cơ bản, thực trạng sản xuất và kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng chủ lực trong vùng, kết hợp với tham khảo ý kiến của nông dân, cán bộ quản lý và tham vấn ý kiến chuyên gia. Qua đây, đã tập huấn cho 300 cán bộ khuyến nông, nông dân nắm vững về quy trình canh tác tiên tiến cho cây lúa, ngô, mía, sắn nhằm thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại vùng đồi núi Bắc Trung Bộ.
Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí quốc tế và các tạp chí chuyên ngành trong nước. Đề tài cũng đào tạo 2 thạc sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng, hỗ trợ đào tạo 1 tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đất đai. Nếu có thể triển khai nhân rộng, đây sẽ là giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho các địa phương thời gian tới.