Chương trình KH&CN BĐKH/16-20: Nâng cao công tác ứng phó, phục vụ đắc lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:12, 22/12/2020

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Hoạt động nghiên cứu KH&CN với mục tiêu chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình KH&CN quốc gia ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chánh Văn phòng Chương trình KH&CN BĐKH/16-20 (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

Ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chánh Văn phòng Chương trình KH&CN BĐKH/16-20 (BộTN&MT)

PV: Sau 5 năm thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên môi trường theo Quyết định số 172/QĐ-BKHCN, ông có đánh giá gì về việc thực hiện các nội dung và góp phần xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật?

Ông Tăng Thế Cường:

Theo Quyết định số 172/QĐ-BKHCN ngày 29/1/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt các mục tiêu, nội dung và sản phẩm của Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, mã số BĐKH/16-20. Trong 5 năm qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện Chương trình, đến nay đã phê duyệt và triển khai tổng số 43 đề tài cấp quốc gia, tập trung theo các nội dung của Chương trình phục vụ chủ trương chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mà Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

Các đề tài đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường như: Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng); đưa ra những luận cứ khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo, đồng thời đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; nghiên cứu làm rõ quan hệ và lượng giá BĐKH, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.

Qua kết quả nghiên cứu, ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chương trình đã góp phần xây dựng Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; đóng góp nhiều nội dung cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được Quốc hội thông qua và đưa ra những luận cứ khoa học phục vụ tổng kết và sửa đổi Luật Đất đai.

    Nước biển dâng gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trọng điểm ĐBSCL.      Ảnh: MH

PV: Vậy xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của các đề tài nghiên cứu khoa học theo các nội dung của Chương trình đã được phê duyệt?

Ông Tăng Thế Cường:

Các đề tài được lựa chọn, đề xuất đều mang tính cấp thiết trong công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường. Đến nay đã có 4 đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xếp loại xuất sắc và hàng chục kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đang được ứng dụng vào thực tiễn. Theo đó, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng trên tất cả các nhóm nội dung.

- Đối với nhóm nội dung thứ nhất về ứng phó với BĐKH: Chương trình đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nhận dạng các tác động của BĐKH và sự thay đổi của các hiện tượng khí hậu thông thường phục vụ công tác đánh giá thực trạng BĐKH ở Việt Nam. Đồng thời xây dựng được các mô hình phát triển kinh kế thích ứng với xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương. Tập trung chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển thông minh thích ứng với BĐKH ở vùng duyên hải. Đánh giá được tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để lựa chọn công nghệ tiên tiến trong canh tác các loại cây trồng chủ lực.

Đã đề xuất giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Xây dựng được bộ tiêu chí của mô hình cộng đồng các-bon thấp, chống chịu cao với BĐKH dựa trên cơ sở đảm bảo sinh kế bền vững, hướng tới sức chống chịu cao và phát thải các-bon thấp, xây dựng được mô hình chăn nuôi chuyển hoá chất thải chăn nuôi thành khí sinh học; xây dựng được hệ số phát thải quốc gia cho lĩnh vực trồng trọt phục vụ kiểm kê khí nhà kính thực hiện các cam kết quốc tế.

- Đối với nhóm nội dung thứ hai, về quản lý tài nguyên và môi trường: Đã xây dựng mô hình và ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá, giám sát quản lý và sử dụng đất, đất ngập nước phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất bền vững.

Xây dựng được bộ tiêu chí về quy mô sử dụng đất nông nghiệp và bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam; đã đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, khai thác thu từ đất, kinh tế đất; Xây dựng bộ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có tính đến yếu tố liên vùng và các tác động của BĐKH; xây dựng được bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với từng cấp.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giải đoán các thành phần tài nguyên đất ở Việt Nam. Đã phát triển một phần mềm ứng dụng cơ sở dữ liệu về giám sát tài nguyên đất - MoLaR hỗ trợ xây dựng các bản đồ chuyên đề về tài nguyên đất. Đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý kinh tế đất nhằm khai thác nguồn thu từ đất theo cơ chế thị trường phục vụ cho việc tổng kết và sửa đổi Luật Đất đai.

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước nội địa và liên quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, công cụ mô hình toán, tự động hóa trong đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Đã xây dựng được cơ sở lý luận, quy trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám, WEBGIS và tự động hóa trong giám sát quản lý đất đai; xây dựng hệ thống thông tin quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (mùa khô) theo thời gian thực nhằm ứng phó với BĐKH. Xây dựng các giải pháp trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long tại Đồng Tháp Mười.

Xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá xâm nhập mặn và tính dễ bị tổn thương của các tầng chứa nước bở rời ven biển do tác động của BĐKH và nước biển dâng; đề xuất được các giải pháp khoa khoa học, công nghệ tiên tiến tổng thể nhằm hạn chế xâm nhập mặn cho tầng chứa nước ngầm ở khu vực Ninh Thuận. Xây dựng mô hình khai thác bền vững, minh bạch khoáng sản, tài nguyên vị thế, tài nguyên sinh vật, gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Đề xuất cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và khu vực; đề xuất cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong mối tương quan với BĐKH. Đề xuất cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và khu vực; đề xuất cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong mối tương quan với BĐKH.

- Đối với nội dung thứ ba, nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Các đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học và mối liên hệ tác động giữa BĐKH, tài nguyên và môi trường theo đặc trưng vùng; xác lập quan hệ và lượng giá BĐKH - tài nguyên - môi trường và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp một số vùng trọng điểm, bao gồm các lưu vực sông chính, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung; xây dựng mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với BĐKH. Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn hạch toán tài nguyên và môi trường trong hệ thống hạch toán mới của quốc gia phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý; các phương pháp lượng giá từng dạng tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản, hệ sinh thái, môi trường. Xây dựng mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững của địa phương và các vùng trọng điểm.

Đã nghiên cứu chế tạo được bộ cảm biến độ ẩm đất xác định bằng phương pháp đo điện dung, xây dựng hệ thống điều kiển từ xa và đề xuất ra được mô hình mô phỏng đánh giá khả năng dự báo độ ẩm của cảm biến và độ nhạy của hệ thống tưới thông minh - tiết kiệm, có tiềm năng nhân rộng mô hình.

Chương trình đã lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu thuộc chương trình KH&CN 2 giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020 cùng các tài liệu hướng dẫn khai thác, dử dụng cơ sở dữ liệu.

PV: Xin ông cho biết, quá trình thẩm định, đánh giá kết quả Đề tài có gặp khó khăn gì hay không và đề xuất định hướng nghiên cứu KH&CN ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường:

Trong quá trình tổ chức, triển khai Chương trình cũng gặp một số khó khăn như dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đề tài trong công tác kiểm tra, điều tra khảo sát và tập huấn tại các địa phương. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ TN&MT, Chương trình đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động theo hình thức trực tuyến. 

Và từ thực tế triển khai hoạt động nghiên cứu Chương trình đã có đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Đề xuất các giải pháp tuyên truyền, phổ biến kết quả, chuyển giao và nhân rộng các mô hình tốt trong thực tiễn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đề xuất hướng nghiên cứu cho thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ một số nội dung đặt hàng cụ thể, trong đó có các chương trình KH&CN để triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

PV: Trân thành cảm ơn ông!

Kim Liên (thực hiện)