Phú Quốc (Kiên Giang):  Công trình sai phép thách thức lãnh đạo huyện?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:27, 21/12/2020

(TN&MT) - Quá thời hạn chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 tháng vì xây dựng không có giấy phép, Công ty CP Hải Lâm vẫn ngang nhiên rầm rộ thi công các công trình du lịch tại Tổ 5, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, chính quyền huyện Phú Quốc ở đâu mà để một doanh nghiệp bất chấp pháp luật như vậy?

“Công trường” vẫn rộn ràng

Ngày 10/12, chúng tôi có mặt tại địa điểm Công ty CP Hải Lâm xây dựng khu khách sạn nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển thuộc tổ 5, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương.

Để vào được công trình, chúng tôi phải đi sát xuống mép nước biển, bởi Công ty CP Hải Lâm đã cho xây dựng một bức tường ngăn khu vực dự án với bên ngoài kéo dài sát mặt nước biển. Theo quan sát, hơn 40 bungalow (kiểu nhà một tầng có xuất xứ từ Ấn Độ) và một nhà hàng khá đồ sộ đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhiều tốp công nhân vừa làm việc vừa cười nói vui vẻ; tiếng máy ủi, máy xúc san nền khuôn viên rầm rầm tạo nên một không khí rộn ràng như đang chạy đua để công trình sớm đưa vào hoạt động.

Trao đổi với một người bán hàng gần dự án, người này cho biết: “Khu này đẹp, hoành tráng. Tôi thấy họ thi công liên tục không nghỉ ngày nào. Nghe người ta nói là đẩy nhanh tiến độ để kịp đón khách du lịch sau Tết”.

Bất chấp Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, công trình sai phạm về xây dựng vẫn đang được hoàn thiện và thách thức cơ quan chức năng

Nhìn công trường tấp nập, hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, đây là công trình xây dựng không có giấy phép, đang bị xử lý vi phạm. Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh trước đó, Công ty CP Hải Lâm đã xây dựng không phép nhiều công trình phục vụ kinh doanh khách sạn trên đất nông nghiệp, tại khu vực quy hoạch của một dự án khác, vi phạm Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trước đó, sau khi báo chí phản ánh, ngày 5/8/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đề nghị kiểm tra và xử lý các vi phạm. Ngày 7/8/2020, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang thành lập Đoàn kiểm tra vụ việc và có Báo cáo số 1529/BC-SXD. Theo đó, Sở Xây dựng Kiên Giang xác định, Công ty CP Hải Lâm đã thi công không phép 42 bungalow, một nhà hàng, một hồ bơi với diện tích xây dựng là 4.515,45m2 (trên phần diện tích đất 17.881m2).

Đăc biệt, toàn bộ 14 bungalow 1 trệt và hồ bơi nằm trọn trong hành lang bờ biển; nhà hàng và bungalow 1 trệt, 1 lầu có một phần nằm trong hành lang bờ biển. Về quy hoạch, toàn bộ diện tích vi phạm do Công ty CP Hải Lâm đầu tư xây dựng nằm trong quy hoạch dự án khu du lịch - thương mại Đảo Quý Thế Giới, quy mô 59.924m2 của Công ty TNHH Đảo Quý Thế Giới, đã được phê duyệt theo Quyết định số 92/QĐ-BQLPTPQ ngày 5/11/2013 của Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc). Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc có biện pháp xử lý hành vi sai phạm của Công ty CP Hải Lân.

Ngày 17/8/2020, UBND huyện Phú Quốc đã ban hành Quyết định số 4442 xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Hải Lâm với hành vi thi công công trình không có giấy phép, theo Điểm C Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Theo đó, Công ty Hải Lâm bị xử phạt 40 triệu đồng và phải hoàn thành giấy phép xây dựng cho công trình. Thời hạn thực thi trong 60 ngày, quá thời hạn trên sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND huyện Phú Quốc ban hành đã quá thời hạn 60 ngày nhưng vẫn chưa được thi hành

Tuy vậy, đến nay, đã 120 ngày, Công ty Hải Lâm vẫn phớt lờ, ngang nhiên thi công như chưa có chuyện gì xảy ra. Và dường như, chính quyền huyện Phú Quốc cũng quên luôn quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà mình đã ban hành?!

Đùn đẩy trách nhiệm?

Ngày 10/12, phóng viên làm việc với ông Huỳnh Quang Hưng, tân Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, trước đây là Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Kinh tế - Xây dựng. Ông Hưng khẳng định sẽ “cương quyết xử lý hành vi xây dựng không có giấy phép của Công ty Hải Lâm, UBND huyện đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính”.

Tuy vậy, khi phóng viên đặt câu hỏi, Quyết định xử phạt hành chính số 4442 ngày 17/8/2020 do Chủ tịch UBND huyện Mai Văn Huỳnh (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang) ký đã quá thời hạn thi hành gần 60 ngày tại sao chưa được thực thi thì ông Hưng nói…"sẽ kiểm tra lại". Sau đó, ông Hưng nói phải đi họp và giao ông Võ Chí Sỹ, Trưởng phòng Đô thị làm việc với phóng viên.

Làm việc với phóng viên, ông Võ Chí Sỹ thừa nhận quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện đối với Công ty Hải Lâm đã quá thời hạn thi hành nhiều ngày. Ông Sỹ cho rằng, UBND xã Cửa Dương được giao nhiệm vụ triển khai quyết định xử phạt. Lẽ ra, sau 60 ngày, xã phải có một báo cáo tại sao không thực hiện được và tham mưu cưỡng chế tháo dỡ. Tuy vậy, do công tác nhân sự, thay Chủ tịch UBND xã nên mới chậm trễ như vậy.

Ông Võ Chí Sỹ, Trưởng phòng Đô thị làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Vậy trách nhiệm của UBND huyện, Phòng Quản lý đô thị ở đâu trong việc thực thi Quyết định xử phạt hành chính này? Trả lời phóng viên, ông Sỹ cho biết, sau khi Quyết định xử phạt, Phòng Quản lý đô thị có phối hợp với UBND xã Cửa Dương tới kiểm tra công trình và ghi nhận Công ty Hải Lâm đã ngưng thi công.

Tuy vậy, khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản làm việc, ông Sỹ nói biên bản xã Cửa Dương lập, Phòng Quản lý đô thị có giữ một bản nhưng chuyên viên phụ trách đi học nên không chưa cung cấp được.

Kết thúc buổi làm việc, cũng giống như vị Chủ tịch UBND huyện, vị Trưởng phòng Quản lý đô thị cũng khẳng định: “Tinh thần là vẫn phải thực hiện, dù có trễ. Nếu xã không làm, Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND huyện đề nghị xã tiếp tục thực hiện theo quyết định đó”.

Trong khi đó, làm việc tại UBND xã Cửa Dương, ông Huỳnh Quốc Khanh, cán bộ địa chính xã cho biết, từ khi Quyết định xử phạt hành chính được ban hành đến thời điểm này (10/12) xã Cửa Dương chưa phối hợp với các đơn vị chức năng, chưa kiểm tra công trình không phép này lần nào (không như ông Sỹ nói).

Cũng theo ông Khanh, qua 60 ngày, thấy Công ty Hải Lâm chưa đóng tiền phạt, chưa cung cấp được Giấy phép xây dựng, ông có gọi điện tới Phòng quản lý đô thị để xin ý kiến làm tờ trình tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy vậy, Phòng Quản lý đô thị cho biết, Công ty Hải Lân đã khởi kiện Quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Phú Quốc, Tòa án Nhân dân tỉnh đã thụ lý và có văn bản thông báo đề nghị dừng thi hành quyết định xử phạt hành chính. “Ở dưới đó nói vậy, nên xã không làm gì nữa” - ông Khanh nói.

Bất ngờ với thông tin này, phóng viên đã liên hệ lại ông Sỹ và nhận được câu trả lời: “Hoàn toàn không có chuyện đó, đến nay, Tòa án chưa ban hành một văn bản kiến nghị gì”?!

Về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ liên hệ làm việc với Tòa án Nhân dân tỉnh để xác minh thông tin này.

Cũng tại buổi làm việc, sau khi phóng viên phản ánh việc Công ty Hải Lâm vẫn ngang nhiên thi công và công trình sắp hoàn thiện, ông Trần Văn Việt - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cửa Dương tỏ ra bất ngờ, bức xúc và chỉ đạo sẽ cho kiểm tra, lập biên bản Công ty Hải Lân ngay ngày hôm sau (11/12).

“Không thể để như vậy được. Trong tuần sau, xã sẽ làm Tờ trình đề nghị UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế ngay” - ông Việt quả quyết.

Buông lỏng quản lý?

Câu hỏi đặt ra, tại sao một công trình xây dựng quy mô lớn, không có giấy phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… được thi công rầm rộ, ngang nhiên một thời gian dài, mãi đến 30/7/2020, khi đã gần hoàn thiện phần thô thì UBND xã Cửa Dương mới đến lập biên bản và đề nghị UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Sáng11/12, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp từ phóng viên, lực lượng liên ngành gồm UBND xã Cửa Dương, Đội trật tự đô thị huyện Phú Quốc, Công an xã Cửa Dương… đã tiến hành kiểm tra khu vực công trình Công ty CP Hải Lâm thi công không có giấy phép.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận Công ty CP Hải Lâm vẫn triển khai thi công xây dựng. Đoàn đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ nhiều phương tiện, vật tư.

Đặc biệt, sau khi ban hành quyết định xử phạt hành chính và quá thời hạn đến 60 ngày, các cơ quan chức năng huyện Phú Quốc vẫn không có động thái giám sát, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của Công ty Hải Lâm. Sự “im lặng” của cơ quan chức năng Phú Quốc này khiến cho dư luận đặt câu hỏi việc ban hành quyết định xử phạt hành chính này phải chăng là “để cho có”.

Vậy, có hay không sự buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng huyện Phú Quốc trong vụ việc này? Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang vào cuộc làm rõ.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc, đặc biệt là theo dõi, phản ánh việc thực hiện những cam kết rất quyết liệt của vị Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Trưởng phòng Quản lý đô thị Phú Quốc, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cửa Dương trong vụ việc này.

Sáng 11/12, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp từ phóng viên, lực lượng liên ngành gồm UBND xã Cửa Dương, Đội Trật tự đô thị huyện Phú Quốc, Công an xã Cửa Dương… đã tiến hành kiểm tra khu vực công trình Công ty CP Hải Lâm thi công không có giấy phép. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận Công ty CP Hải Lâm vẫn triển khai thi công xây dựng. Đoàn đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ nhiều phương tiện, vật tư.

Nguyễn Thanh – Hữu Công