Đà Nẵng: Sau bão lũ, người trồng hoa “tất bật”
Xã hội - Ngày đăng : 09:47, 20/12/2020
Những ngày này, người trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Làng hoa Hòa Cường chủ yếu trồng hoa ngắn ngày như cúc, vạn thọ… và các loại hoa treo. Tuy nhiên, đợt mưa lớn kéo dài vừa qua đã khiến đợt xuống giống trước bị hư hại nghiêm trọng, nhiều nhà vườn vừa phải xuống giống lần 2, bón thêm nhiều phân và thuốc với hy vọng hoa nở đúng dịp Tết để bán.
Mưa bão vừa dứt, người trồng hoa ở Đà Nẵng đã tất bật chuẩn bị cho vụ Tết |
Ông Phạm Văn Châu (48 tuổi), phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, những hộ nông dân ở đây không dám đầu tư mạnh vào thị trường trồng hoa Tết do năm nay có quá nhiều biến động. Thiên tai liên tục ai cũng khó khăn chưa kể những người dân lo sợ khi hoa nở đem bán người dân không có nhu cầu mua để chơi Tết do một năm kinh tế khó khăn.
“Năm ngoái tôi trồng hơn 1.000 chậu hoa các loại, kiếm được 30 - 40 triệu đồng. Đợt này tôi chỉ trồng Cúc với số lượng ít hơn chỉ mong hoàn lại vốn. Nếu như trồng nhiều, đến khi Cúc nở mà lại cách ly xã hội thì hoa ai mua cho hết”, ông Châu lo lắng.
Cách đó không xa, tận dụng một khu đất trống ở tuyến đường 30 Tháng 4, ông Trần Phước Hoàng (49 tuổi, trú phường Hòa Cường, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã dành nhiều ngày để khắc phục những chậu hoa bị bão làm hư hỏng. Đã có thâm niên trồng hoa gần 20 năm, để có những chậu hoa bán Tết, từ tháng 7 mỗi năm, ông phải đổ mồ hôi, công sức, vốn liếng cùng bao nỗi lo toan.
Theo ông Hoàng, không có năm nào lo lắng như năm nay. Sau bão lũ, cây trút lá, gốc hư hỏng nặng. Một tháng qua, ông miệt mài đúc chậu, làm đất, ủ phân để trồng vụ hoa Tết. Như thường lệ, buổi sáng tưới nước, buổi tối chăm đèn thêm 3 - 4 tiếng để tạo thêm ngày dài hơn. Hiện nay cúc mới chỉ cao khoảng 40 cm so với năm trước thấp hơn 10 - 20 cm.
Những ngày này, người trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết |
Theo dự kiến giá cả có lẽ sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều ông lo lắng nhất vẫn là nhu cầu chưng hoa của người dân năm nay. Bởi thị trường bán hoa chủ yếu ở Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,... Tuy nhiên, năm nay đây là những nơi có tổn thất nặng nề nhất, người dân nơi đây đang lo không có nhà “lành”, tết ấm.
“Thị trường cung cấp hoa của làng Hòa Cường chủ yếu là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị mà năm nay mưa bão, rồi dịch Covid-19 đời sống khó khăn nên bà con đang lo không bán được hoa. Nhưng làm thì vẫn làm vì cái nghề của mình rồi. Ai cũng hi vọng nhà nước triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ dân sinh để ai cũng có cái tết đủ đầy”, anh Hoàng chia sẻ.
Dáng Cúc năm nay “lùn” so với những năm trước nên người trồng còn thêm nỗi lo cây ra hoa không đúng dịp tết. Cúc đã trồng xuống rồi mà lòng cứ lo không biết tết năm nay có tiêu thụ được không. Để có được thị trường tiêu thụ, người nông dân phải chủ động tìm đến những nhóm khách hàng tiềm năng.
“Nhà thờ, chùa chiền là những nơi không thể thiếu hoa Cúc trong những ngày tết. Họ dùng để chưng trước cổng, xung quanh khu vực nhiều người qua lại. Tuy nhiên để bán được một số lượng lớn thì không phải là dễ dàng”, ông Hoàng nói.
Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua đã khiến đợt xuống giống trước bị hư hại nghiêm trọng, nhiều nhà vườn vừa phải xuống giống lần 2, bón thêm nhiều phân và thuốc với hy vọng hoa nở đúng dịp Tết để bán |
Cũng cùng nỗi sợ mất mùa vừa lo không bán được nên trồng số lượng ít hơn năm ngoái, ông Lê Hai - hộ trồng mai ở đường Tôn Đản, phường Hòa An - cho biết cả phường có hàng chục hộ trồng mai với hơn 10.000 gốc, vườn nhà ông trồng vài trăm gốc. Đợt rồi mưa lớn kéo dài nên gốc nào cũng ngấm đầy nước, công chăm sóc và vật tư tốn kém hơn hẳn mọi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mai dự báo không tăng mà có thể giảm và kén người mua, nhà vườn dự báo thất thu.
"Dịch Covid-19 khiến kinh tế bị ảnh hưởng nên khách hàng sẽ không ưu tiên nhiều cho việc chơi hoa ngày Tết hoặc chỉ mua hạn chế" - ông Hùng dự đoán.