Giải pháp nào phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu?

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:01, 02/12/2020

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội nghị tham vấn về "Những định hướng phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" với sự tham gia của đại diện các bộ ban ngành Trung ương, lãnh đạo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia  trình bày, giới thiệu các nội dung chính của dự thảo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhận diện các vấn đề và đề xuất giải pháp đối với sự sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long; định hướng phát triển hệ thống đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Định hướng phát triển và kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồng bằng sông Cửu Long trước các thách thức của biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu và ý kiến của các địa phương về Quy hoạch vùng và kiến nghị, đề xuất các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, sạt lở đất...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Từ đó, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.

Khu rừng ngập mặn tại tỉnh Khánh Hòa.

Vấn đề này đã được nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp xử lý. Song giải pháp được đại đa số các ý kiến thống nhất là cần phải được giải quyết trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ, tổng thể và sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương trên một tầm nhìn dài hạn.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành.

Đến nay, quy hoạch đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.

Theo ông Ian, đại diện Liên doanh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ cho biết, đến năm 2050 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 50% diện tích đất sẽ nằm dưới mực nước biển do tình trạng sụt lún đất, nước biển dâng, do đó khu vực này cần phải có các hoạt động thích ứng, cân nhắc nhiều yếu tố.
Đó là, phải bảo vệ người dân ở đó, cải thiện khả năng sinh kế, đảm bảo bình đẳng cho mọi người dân sinh sống tại đây đồng thời phải thay đổi cách thực hành nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra một số trung tâm trồng, phát triển và chế biến, xử lý ngay trong vùng để chế biến xuất khẩu.

Mặt khác, xây dựng, cải thiện hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển để đưa hàng hóa ra ngoài vùng và xuất khẩu... 

Việt Hùng