Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:01, 30/10/2020
Đây là đánh giá của các nhà khoa học tham gia Hội thảo Chính sách ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, ĐHQG TP Hồ Chí Minh…
GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Vừa qua, xâm nhập mặn với nồng độ 4‰ hơn 100km dẫn đến hàng chục ngàn héc-ta lúa bị mất trắng. Các hậu quả này là chủ yếu của các hình thái biến đổi khí hậu, do lượng mưa giảm và nước biển dâng. ĐBSCL đóng góp 1/5 GDP của cả nước trên diện tích chỉ 1/8 cả nước, cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thuỷ sản. Nhưng theo các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới, trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL sẽ thấp hơn mực nước biển một mét. Hiện nay, các nghiên cứu khảo sát ở Cà Mau mỗi năm sụt lún khoảng 1 - 1,5cm, do đó điều này có thể xảy ra. Nỗi lo lớn nhất đối với ĐBSCL do biến đổi khí hậu gây ra là nước biển dâng”.
Biến đổi khí hậu đang là nỗi lo của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo GS,TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là nhiệt độ có xu thế tăng lên trong toàn khu vực với mức tăng từ 0,4 đến 1,6 độ C/61 năm; lượng mưa có xu thế gia tăng từ 1,5-20% trong vòng 61 năm nhưng xu thế tăng mưa mùa đông, mùa xuân, giảm ở mùa hè và các tỉnh ven biển; các hiện tượng cực đoan như số ngày nắng nóng kéo dài; xu thế nước biểng dâng từ 3,5-8,7mm/năm; hạn hán tăng từ 0,05-0,2 đơn vị/61 năm.
Nhận định về những tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL, GS,TS Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, nước biển dâng là thách thức lớn nhất của đồng bằng châu thổ này. Nếu nước biểng dâng cao 100cm, sẽ có khoảng 38% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%). Khi đó, ảnh hưởng của nước mặn thường xuyên nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Làng Sen, Trà Rai, Hà Tiên, Bãi Bồi, Đất Mũi trở nên kém bền vững hơn.
Bên cạnh đó, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, 1/3 “vựa thóc” của cả nước bị ngập, 85% dân cư cần được hỗ trợ về nông nghiệp, đất bị suy thoái, hiện tượng di dân làm xáo trộn quy hoạch đô thị,… Cùng với đó, xói lởi bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm.
Tại Vĩnh Long, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh hơn liên tiếp các tháng mùa khô năm 2009, 2010, 2011, 2016 và 2019, độ mặn cao nhất trên các sông lớn của địa bàn. Hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ 5‰.
Đặc biệt, mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016 và kéo dài đến tháng 5. Đỉnh mặn đo được trên sông Cổ Chiên tại hai huyện Vũng Liêm và Mang Thít lên cao từ 6,2-10‰, sông Hậu tại huyện Trà Ôn lên đến 7,8‰. Đặc biệt, phía sông Tiền tại các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú dù cách cửa biển đến 90km nhưng vẫn xuất hiện nước mặn với nồng độ 4‰.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long có hơn 100 điểm sạt lở mất hàng chục ha đất. Thiệt hại do thiên tai ở Vĩnh Long từ đầu năm đến tháng 8-2020 là 334 tỷ đồng.
Trước những nguy cơ và thách thức trên, Hội thảo được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phân tích, lượng hóa một cách khoa học để làm cơ sở xây dựng các chính sách giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ứng cứu cho người dân vùng ĐBSCL.
Nước biển dâng và triều cường sẽ là nguy cơ biến đổi khí hậu lớn nhất ở ĐBSCL. Nước biển dâng gây hiện tượng nhiễm mặn trên diện rộng. Triều cường làm ngập lụt đô thị là một thực tại mới mà mọi người đang dần chấp nhận. Các cơn bão xuất hiện thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn sẽ là mối đe dọa mới với ĐBSCL.
Ở mức độ thấp hơn, các hiện tượng thời tiết bất thường và bão cũng là những mối đe dọa khí hậu đang tăng lên theo thời gian. Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi ở ĐBSCL cũng đóng góp làm thay đổi các hoạt động kinh tế của con người.