Thừa Thiên Huế: Nguy cơ sạt lở tiếp tục tái diễn

Môi trường - Ngày đăng : 12:27, 11/12/2020

(TN&MT) - Dự báo trong tháng 12 này, mưa lớn và kéo dài làm nguy cơ trượt lở đất, lũ ống, lũ quét tiếp diễn nhiều điểm tại Thừa Thiên Huế.

Tái diễn sạt lở

Mới đây vào chiều 1/12, do ảnh hưởng mưa lớn, liên tục nên phía hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất hiện một số điểm sạt lở với khối lượng ước tính khoảng 5.000m3 đất đá.

Sạt lở bất ngờ tại chân đập thủy điện Hương Điền

Theo chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Hương Điền, vị trí điểm sạt lở cách chân đập thủy điện Hương Điền từ 60-200m, không có đường dân sinh nên không ảnh hưởng đến giao thông đi lại và không gây ảnh hưởng đến chân đập. Đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc, do vậy không ảnh hưởng đến an toàn công trình.

“Hiện tại công ty đang tiếp tục quan trắc, giám sát và có báo cáo các cơ quan quản lý khi có bất thường, đồng thời công ty cũng đã lập kế hoạch trong năm 2021 sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tiến hành gia cố tổng thể toàn bộ vai trái đập, để đảm bảo an toàn công trình”, ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Hương Điền cho hay.

Vào tối 30/11 đã diễn ra sạt lở nặng tại khu vực đồi núi dốc thuộc xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) gây chia cắt tuyến đường đèo độc đạo nối trục giao thông ven sông Bù Lu vào khu du lịch Laguna. Vị trí sạt lở đất đồi núi là mái taluy dương chống trượt gãy sườn đồi bảo vệ tuyến đường nội bộ độc đạo dẫn vào khu du lịch Laguna thuộc núi Cảnh Dương.

Thời điểm đất đồi bị sạt lở, hệ thống dầm khung bê tông cố định taluy dương bảo vệ tuyến đường bị đứt gãy đổ xuống bên dưới với chiều dài tuyến đường bị vùi lấp khoảng 70-100m. Vào thời điểm xảy ra trượt lở đất không có người và phương tiện lưu thông nên không có thiệt hại. Sau khi sự cố xảy ra, Ban Quản lý Khu Kinh tế-Công nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân lực, phương tiện máy móc giải phóng hiện trường...

Sạt lở nặng tại khu vực đồi núi dốc thuộc xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) gây chia cắt...

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để địa phương và nhân dân trong tỉnh biết và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, đơn vị đã có thông báo, cảnh báo gửi các địa phương về các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá trên địa bàn.

Các điểm cảnh báo sạt lở gồm khu vực đồi núi dọc đường 71 từ Phong Xuân (Phong Điền) đến các công trình Thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, A Lin B2, A Lin B1; khu vực sườn đồi núi, mái taluy, nhất là dọc tuyến QL49A (đoạn qua Hương Trà, A Lưới), đường Hồ Chí Minh; tuyến cao tốc La Sơn–Túy Loan (đoạn qua các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc địa bàn huyện Nam Đông, Phú Lộc); khu vực đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân và dọc tuyến từ QL1A ra cảng Chân Mây...

Đề phòng, ứng phó

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi và cụm công trình thủy điện...phải thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ, ven hồ thủy điện, thủy lợi và đầu mối công trình. Có những đánh giá tổng thể hiện trạng, giải pháp đảm bảo an toàn nhằm đề phòng hiện tượng sạt lở đồi núi ven hồ và công trình đầu mối gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập hoặc làm hạn chế thoát lũ qua đập tràn gây sự cố mất an toàn công trình hoặc vỡ đập.

Nguy cơ sạt lở vẫn còn diễn ra tại Thừa Thiên Huế

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ làm công tác PCTT về các loại hình thiên tai, trong đó có động đất, lũ quét và sạt lở đất đá. Từ năm 2013 đến nay đều có tổ chức các lớp tập huấn PCTT tại các địa phương.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã giới thiệu nhiều tài liệu, phim ảnh tuyên truyền cổ động và cách phòng ngừa sự cố sạt lở đất dưới nhiều hình thức. Gửi tài liệu ứng phó về các cơ quan đơn vị, tập huấn hướng dẫn lập kế hoạch PCTT đến cấp xã. Đến nay 100% xã phường trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch, phương án PCTT hàng năm.

“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở đất. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tích cực phối hợp với Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, cập nhật các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tổng rà soát khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông, hồ chứa nước, thủy điện để đảm bảo an toàn”, ông Hùng thông tin.

VĂN DINH