Quản lý tổng hợp, thống nhất biển đảo: Còn nhiều điểm “vướng”

Biển đảo - Ngày đăng : 15:36, 08/12/2020

(TN&MT) - Hệ thống pháp luật nhằm thực thi phương thức QLTH TNMT biển, hải đảo cho dù được đánh giá là khá đầy đủ và toàn diện, song trên thực tiễn, nhiều địa phương có biển vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai và đề xuất cần phải rà soát, sửa đổi luật pháp cho phù hợp tình hình mới.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về quản lý tổng hợp vùng bờ vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Chi cục biển và hải đảo TP. Hải Phòng cho biết, là đơn vị sớm triển khai phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất biển, đảo, đến nay Hải Phòng đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Theo đó, Sở TN&MT Hải Phòng đã xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt Đề cương Đề án tổng thể QLTH vùng bờ TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để ban hành Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ TP. Hải Phòng. Xây dựng hệ thống quan trắc gồm quan trắc tác động môi trường không khí tại 3 điểm; quan trắc tác động môi trường nước mặt tại 6 điểm; quan trắc môi trường vùng ven cửa sông 1 điểm; quan trắc tác động vùng biển ven bờ, bãi tắm 1 điểm tại Đồ Sơn.

Đồng thời, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường TP. Hải Phòng đến năm 2025 và giao Sở TN&MT xây dựng Chương trình quan trắc tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo TP. Hải Phòng giai đoạn 2019 - 2024.

Hiện nay, Trung tâm quan trắc môi trường Hải Phòng thuộc Sở TN&MT Hải Phòng có hai hệ thống trạm là không khí và và nước thải. Đối với môi trường không khí, đã triển khai quan trắc cố định tại 7 điểm với tần suất 4 lần/năm với tổng số 112 lượt chỉ tiêu/năm. Đối với môi trường nước, thực hiện quan trắc tại 12 điểm quan trắc với tần suất 4 lần/năm với tổng số 528 chỉ tiêu/năm…

Tuy nhiên, đại diện Chi cục quản lý biển, đảo Hải Phòng cũng cho biết, hiện còn không ít vướng mắc về căn cứ pháp lý để thực hiện QLTH TNMT biển, đảo nên rất khó triển khai trong thực tiễn.

Đơn cử như tại Khoản 1, Điều 32 Luật TN&MT biển, hải đảo quy định: “Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển nhành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt”

Tiếp đó, Điểm a, Khoản 2, điều 35 Luật TNMT biển và hải đảo quy định: “Căn cứ lập Chương trình QLTHTN vùng bờ là Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, vùng bờ”. Song đến nay “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” do Bộ TN&MT lập mới đang trong giai đoạn lập đề cương. Do đó, công tác quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bảo vệ môi trường biển đảo vẫn phải tuân theo các quy hoạch phát triển ngành và địa phương (vốn đã rất chồng chéo và nhiều bất cập), chưa có định hướng chung; Thiếu căn cứ để thành phố lập và triển khai Chương trình QLTHTN vùng bờ - trong khi đó, đây là công tác điều phối, quản lý đa ngành, một công cụ quan trọng của công tác QLTH TNMT biển, đảo.

Điều 78 Luật TNMT biển và hải đảo quy định việc thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, nhưng hiện chưa có quy định của pháp luật về xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực biển, đảo, nên việc xử lý vi phạm còn phụ thuộc vào luật chuyên ngành…

Có thể thể thấy, phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất, biển, hải đảo gắn liền với cơ chế điều phối đa ngành, phải giải quyết các vấn đề phát sinh vượt quá khả năng giải quyết của một ngành, như vậy, rất càn một hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ và có sức mạnh, cộng cơ quan điều phối có đủ trách nhiệm mới có thể thực hiện thành công.

Minh Hiếu