Phú Yên: Người dân Sông Cầu nuôi tôm hùm đau đáu nỗi lo nợ nần

Xã hội - Ngày đăng : 00:55, 06/12/2020

(TN&MT) - Mặc dù cơn bão số 12 đã đi qua hơn ba tuần nay nhưng dư âm hậu quả nó để lại cho người dân nuôi trồng thủy sản tại thị xã Sông Cầu vẫn chưa nguôi ngoai. Người dân nuôi tôm hùm và tôm, cá các loại bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão đang phải đối mặt với khó khăn nợ nần chồng chất, gia cảnh kiệt quệ.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là lứa tôm hùm của gia đình ông Trần Văn Cơ sinh sống ở khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thu hoạch viên mãn trong sự kỳ vọng, mong mỏi của gia đình sau 10 tháng chăm sóc cho đàn tôm của mình. Thế nhưng, tất cả đều đổ sông đổ biển, bao công sức chăm sóc, lo lắng từng ngày từng đêm cho lứa tôm đều trôi hết ra vịnh Xuân Đài chỉ trong một đêm bão.

Bè nuôi tôm nằm trong vịnh Xuân Đài 

Cơn bão số 12 tràn vào tỉnh Phú Yên trong đêm mưa gió lớn khiến người dân không kịp trở tay. Sáng hôm sau mọi thứ đều tan tành theo cơn bão và bão cũng kéo cuộc sống của gia đình ông Cơ lâm vào hoàn cảnh bi đát như hiện tại.

Lứa tôm hùm không còn để chờ thu hoạch, 48 ô nuôi tôm hùm giống và tôm hùm thịt, mỗi ô có diện tích 50m2 với số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng đều trôi hết ra vịnh Xuân Đài trong sự đau đớn tột cùng của gia đình ông Cơ.

Người dân khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Thành dùng thuyền thúng đi ra khu vực lồng bè nuôi tôm của gia đình tại vịnh Xuân Đài  

Vì đó là cơ ngơi, cơ nghiệp tài sản của gia đình ông gầy dựng bao nhiêu năm nay từ lúc hai vợ chồng ông tạo dựng mái ấm gia đình đến khi sinh con, nuôi con ăn học, trưởng thành cũng từ những bè tôm này. Nhưng bão đã nhẵn tâm cuốn trôi đi tất cả, trong đó có niềm hy vọng mong chờ có tiền cho con ăn học trong năm tới và đón cái tết năm mới Tân Sửu được trọn vẹn đủ đầy hơn.

Không biết những ngày tháng tới đây gia đình ông phải sống như thế nào trong cảnh cơ nghiệp trắng tay và nợ nần chồng chất do vay mượn ngân hàng, các quỹ tín dụng cho vay ưu đãi, bạn bè, người thân trong gia đình khi mà năm mới Tân Sửu đang cận kề.

Ông Trần Văn Cơ mong chờ phép màu đến với gia đình trong những ngày khốn khó này 

Chia sẻ với Pv Báo TN&MT ông Trần Văn Cơ tâm sự: Do tôi kinh tế hạn hẹp chỉ có thể nuôi tôm hùm xanh là vừa với điều kiện của gia đình. Mong chờ đợt tôm này thu hoạch có tiền cho con đi học năm sau nhưng giờ mất hết tất cả. Bão cuốn trôi hết không còn sót lại con tôm hùm giống nào. Bây giờ muốn gầy dựng lại phải có tiền đầu tư mà tiền đầu tư lứa trước còn nợ nên giờ đi mượn thêm nữa là rất khó. Nhà nước có hỗ trợ cũng chẳng là bao, chủ yếu bản thân gia đình phải tự vươn lên vực dậy sau bão. Quy trình nuôi một lứa tôm hùm phải mất 10 tháng, gia đình tôi nuôi được 6 tháng rồi vậy mà bão ập vào cuốn trôi đi hết.

Ngôi nhà ông Trần Văn Cơ nhỏ bé nằm bên bờ vịnh Xuân Đài 

Bà Trương Thị Huệ vợ của ông Cơ nói trong nước mắt: Chưa năm nào gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề như năm nay. Những năm trước có bão đến vẫn bị thiệt hại nhưng không đáng kể, gia đình vẫn tự khắc phục được vì số lượng con trôi đi không nhiều. Riêng năm nay bão số 12 cuốn trôi 20 ngàn con tôm hùm giống và tôm hùm thịt ra vịnh Xuân Đài chỉ trong một đêm.

Bà Huệ chia sẻ thêm: Thời gian tới không biết lấy tiền đâu ra cho con cái ăn học trong khi cả gia đình chỉ trông chờ vào những bè tôm là nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng. Hiện chúng tôi tuổi đã lớn cũng không thể đi làm thuê nặng nhọc vì không còn đủ sức khỏe. Nhưng cũng nhờ có bà con, bạn bè, các tổ chức tín dụng vay ưu đãi cho vợ chồng tôi tạm khất nợ mà không đòi liền trong thời điểm này để gia đình từng bước tháo gỡ khó khăn sớm ổn định lại cuộc sống rồi mới tính tiếp chuyện nuôi tôm hùm lứa mới.

Cuộc sống người dân khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Thành trở lại bình yên sau cơn bão số 12

Không chỉ có gia đình ông Trần Văn Cơ mà hàng trăm hộ gia đình sinh sống bên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông của thị xã Sông Cầu nuôi tôm hùm và tôm, cá các loại đều cùng chung cảnh ngộ bị thiệt hại nặng nề sau đêm bão số 12.

Theo thống kê thiệt hại của cơn bão số 12 và mưa lũ của tỉnh Phú Yên về lĩnh vực thủy sản, bao gồm tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản thiệt hại ước tính 101 tỷ 092 triệu đồng. Riêng tại thị xã Sông Cầu thì phường Xuân Thành và xã Xuân Phương là hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về nuôi trồng thủy sản.

Qua trao đổi với Pv Báo TN&MT, ông Phan Trần Vạn Huy – Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết: Các trường hợp người dân bị thiệt hại lũ lụt sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên trước khi nuôi các hộ dân phải kê khai theo một quy trình để nhà nước hỗ trợ. Bà con nào khó khăn có đăng ký kê khai trong vùng quy hoạch mới được hỗ trợ. Việc hỗ trợ này phải được công nhận là thiệt hại do thiên tai thì thị xã cũng đã có văn bản đề nghị gửi lên UBND tỉnh.

Người dân tiếp tục mưu sinh trên vịnh Xuân Đài 

Có lẽ không chỉ riêng gia đình ông Trần Văn Cơ mà hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An đang cần sự chung tay giúp đỡ từ phía các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên để người dân vững niềm tin vượt qua mọi khó khăn trước mắt sớm ổn định cuộc sống để bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh mới.

Mỹ Bình