Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 10:28, 03/12/2020

(TN&MT) - Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển vùng ĐBSCL. Các địa phương trong vùng đã tham gia ngay từ đầu với tư cách là cấp sẽ phải triển khai thực hiện, chịu sự tác động trực tiếp cũng như được hưởng lợi từ bản Quy hoạch này.

“Sự tham gia của các địa phương trong vùng là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản Quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch, hướng tới sự kết nối giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai lập đồng thời” - ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.

Quan điểm chủ đạo của cả quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050. Việc quy hoạch hướng tới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Bên cạnh đó, thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của vùng.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Ảnh: MH

Mọi vấn đề lớn, quan trọng sẽ được giải quyết trong mối liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Cam-pu-chia, kinh tế biển (bao gồm cả Biển Đông và Vịnh Thái Lan), tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng, phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm chủ đạo nêu trên, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở đến triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch sẽ lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước bắt buộc phải thích ứng. Lợi thế cạnh trạnh của vùng sẽ được nâng cao nếu xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, với mật độ dân số phù hợp, trình độ kinh tế và chất lượng cung ứng dịch vụ ngày càng cải thiện. Qua đó sẽ thu hút được các dự án đầu tư có quy lớn để tạo nên bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Liên