Vì sao nguồn cung nhà ở giá rẻ ngày càng ít?

Bất động sản - Ngày đăng : 10:26, 03/12/2020

(TN&MT) - Lượng tìm kiếm nhà ở diện tích nhỏ, nhà ở giá rẻ tại TP.HCM hiện đang tăng mạnh, cho thấy nhu cầu của người dân về nhà ở phân khúc này là rất lớn. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư không mặn mà làm dự án nhà giá rẻ, khiến nguồn cung của phân khúc này ngày càng “vắng bóng” trên thị trường.

Cạn kiệt nhà ở giá rẻ

Những tưởng giá nhà ở sẽ giảm trong thời điểm dịch Covid-19, vợ chồng chị Thu Nguyệt (ngụ quận 12, TP.HCM) đã rút số tiền tiết kiệm hơn 700 triệu đồng và dự định vay thêm ngân hàng khoảng 50% giá trị căn hộ, vợ chồng chị tự tin sẽ tìm được căn nhà vừa với túi tiền. Tuy nhiên, tham khảo qua nhiều dự án căn hộ mới mở bán ở quận 12, quận 7, quận Thủ Đức (TP.HCM), giấc mơ của vợ chồng chị Nguyệt ngày càng xa vời, bởi rất khó để kiếm một dự án có mức giá dưới 1,5 tỷ đồng/căn.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng dòng sản phẩm nhà ở giá rẻ và nhà ở có diện tích nhỏ thì số lượng tìm kiếm lại tăng vọt. Chỉ cần gõ từ khóa “mua căn hộ giá rẻ” trên công cụ tìm kiếm google, ngay lập tức cho ra hơn 4,3 triệu kết quả. Nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh, tuy vậy, lượng tin đăng rao bán được thống kê, đặc biệt là dòng sản phẩm căn hộ chung cư dưới 45 m2 chỉ tăng 14% trong quý vừa qua. Sản phẩm nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm trên thị trường.

Theo các chuyên gia bất động sản, dù chiếm tới từ hơn 70% - 80% nhu cầu về nhà ở tại khu đô thị lớn như TP.HCM, nhưng nguồn cung nhà ở giá rẻ lại đang rất khan hiếm, thậm chí vắng bóng trên thị trường. Chính sách nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ làm tăng nguồn cung nhà giá rẻ cũng đang “mắc cạn”, mới chỉ đạt hơn 40% so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, giá nhà liên tục tăng trong các năm qua.

Nghiên cứu của DKRA Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2019, cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do thị trường hầu như không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1 - 1,5 tỷ đồng/căn. Cụ thể, trong 3 - 5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 - 21 triệu đồng/m2 thì nay đã chạm ngưỡng 25 - 36 triệu đồng/m2. Dịch Covid-19 ập đến, thị trường BĐS ít nhiều bị tác động, không ít người đã mong chờ giá nhà sẽ hạ. Tuy nhiên, giá nhà ở hiện vẫn đang trên đà tăng.

   Căn hộ chung cư có giá khoảng dưới 2 tỷ đồng không còn nhiều ở TP.HCM.     Ảnh: Hoàng Minh

Làm sao để tăng nguồn cung?

Các chuyên gia BĐS nhận định, quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM không còn, trong khi đó giá đất lại được đẩy lên cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng chung, để có được lợi nhuận thì các chủ đầu tư tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp hoặc hạng sang. Thực tế, dù có nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp (DN) phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, thế nhưng DN vẫn không mặn mà. Bởi khó khăn lớn nhất hiện nay là DN không có quỹ đất để xây dựng. Ngoài ra, các chi phí xây dựng dự án như: giá đất, chi phí vật liệu, nhân công đều tăng, cũng khiến các DN e ngại.

Ông Ngô Quang Phúc - CEO Phú Đông Group, nhận định: “Giải pháp cốt lõi để tăng nguồn cung cho nhà giá rẻ thì phải tạo được sự cạnh tranh trên thị trường và mới thu hút được DN. Có cạnh tranh thì mới có thể nâng cao chất lượng và giảm được giá thành. Nếu không minh bạch được thì việc phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ luôn ở tình trạng “xin - cho”, khó có thể thu hút được DN lớn có tiềm lực đầu tư; dẫn đến các dự án triển khai chất lượng thấp, không hiệu quả hoặc chậm tiến độ”.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở giá rẻ khan hiếm trên thị trường BĐS là do thủ tục phê duyệt xây dựng dự án thường kéo dài. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước hiện đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, dẫn đến các DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.

“Để tăng nguồn nhà ở, Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ về mặt tài chính để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như người mua. Đồng thời, các địa phương, trong đó có TP.HCM nên đưa ra các giải pháp củng cố, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt dự án nhằm ổn định lại thị trường BĐS, không để các dự án bị hoãn và ảnh hưởng đến việc phê duyệt dự án mới” - ông Châu đề xuất.

Bà Dương Thùy Dung - Giám Đốc Cấp Cao CBRE Việt Nam cho rằng, căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn có tính thanh khoản cao. Thời gian gần đây, dòng sản phẩm này không có nhiều do những vấn đề liên quan đến cơ chế, lượng vốn vay phát triển dự án bị hạn chế, việc cấp phép dự án phải theo quy hoạch. Vì vậy, dự báo thời gian tới, căn hộ giá rẻ sẽ tiếp tục khan hiếm trên thị trường BĐS.

Thục Vy