Hà Nam: Cảnh báo tai nạn giao thông tại các nút giao, tuyến đường nối cao tốc

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 03/12/2020

(TN&MT) - Tại các nút giao quốc lộ (QL) 21B mới (Phủ Lý – Mỹ Lộc) với  đường ĐH03 thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý và các tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn chạy qua địa phận tỉnh Hà Nam thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần đã kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền triển khai giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông tại các nút giao này song sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến của cử tri tại tỉnh Hà Nam phản ánh về tình trạng xuất hiện nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ (QL). Theo tìm hiểu, tuyến đường nối đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam có chiều dài khoảng 20km, nối từ nút giao Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý) đến ngã ba cầu Thái Hà đi Thái Bình và cầu Hưng Hà đi Hưng Yên có chức năng kết nỗi giữa 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường nối trên chạy qua các xã: Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý); xã Đinh Xá, Tràng An, Bình Nghĩa (huyện Bình Lục); Trần Hưng Đạo, Công Lý, Chân Lý, Đạo Lý (huyện Lý Nhân).

Tại tuyến đường nối cao tốc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Từ khi có tuyến nối trên đã tạo ra sự kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông giữa các tỉnh thành phía Đông Thủ đô và vùng duyên hải Đông Bắc Bộ với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để lan tỏa đi các địa phương.

Cũng như các tuyến nối cao tốc trên, tại ngã tư QL 21B Phủ Lý – Mỹ Lộc cắt qua tuyến ĐH 03 từ lâu đã trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông. Tuy chưa thống kê cụ thể, song từ khi tuyến đường 21B đi vào hoạt động ở khu vực ngã tư này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, hậu quả làm nhiều người thương vong. Tại tuyến đường này hiện nay có rất nhiều học sinh, công nhân tham gia giao thông phải đi qua ngã tư đến trường, đến nơi làm việc, nếu không có giải pháp xóa “điểm đen” về lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho người dân qua lại.

Tuyến đường hiện nay có rất nhiều học sinh, công nhân tham gia giao thông phải đi qua ngã tư đến trường, đến nơi làm việc, nếu không có giải pháp xóa “điểm đen” về lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho người dân qua lại.

Theo như quan sát, hàng ngày trên các tuyến đường này có lưu lượng phương tiện qua lại dày đặc, chủ yếu là phương tiện tải trọng lớn, xe container, xe đầu kéo, xe chở vật liệu xây dựng…; do là tuyến hỗn hợp nên xe con, xe khách và xe máy cũng được lưu thông.

Trao đổi với ông Trần Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Trên toàn tuyến đường tránh cao tốc chỉ có 2,2 km đường chạy qua địa phương, song tính từ đầu năm tới nay đã xảy ra khoảng 20 vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong.

Nút giao cắt không có đèn tín hiệu khiến học sinh qua lại vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

“Tình từ đầu năm đến nay, đường nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã chúng tôi đã xảy ra khoảng 20 vụ tai nạn giao thông đáng tiếc khiến hàng chục người thương vong, phương tiện hư hại. Cách đây chỉ khoảng 1 tháng mà cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn, chính đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã cũng là nạn nhân bị xe tải lấn làn, ép ngã”, ông Trần Văn Tâm kể lại.

Giờ tan học, học sinh rất khó khăn trong việc băng qua đường để trở về nhà.

Cũng theo ông Tâm: Như thiết kế, tuyến đường chạy qua địa bàn xã sẽ được xây dựng, mở rộng thành 2 làn đường, chia làm 2 giai đoạn. Đến nay, mặt bằng để thi công giai đoạn 2 đã được giải phóng xong, đảm bảo tiến độ để thi công, mở rộng. Tuy nhiên, mặt bằng thì đã sẵn sàng nhưng không hiểu vì lý do gì mà giai đoạn 2 vẫn chưa được tiến hành thi công, mở rộng để xoá bỏ những đường đấu nối, giao cắt mất an toàn giao thông.

“Đến nay địa phương đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đảm bảo mặt bằng để có thể thi công, mở rộng tuyến đường giai đoạn 2. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân địa phương liên tục ý kiến, đề nghị thi công nốt tuyến đường, mở đường gom dân sinh, xoá bỏ các “điểm đen” tai nạn giao thông. Thế nhưng đến nay nguyện vọng của người dân vẫn chưa được thực hiện”, ông Tâm chia sẻ.

Tuyến đường có rất nhiều xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông.

Ông Tâm cũng cho biết thêm, về nguyên nhân cơ bản của các vụ tai nạn trên được cơ quan chức năng xác định là do đường đông phương tiện, lưu thông tốc độ cao và thường xuyên lấn làn. Người điều khiển xe máy thiếu quan sát hoặc bị các phương tiện ngược chiều lấn làn chèn ép.

Ngoài ra, theo quan sát thực tế, cung đường trên là kiểu đường hỗn hợp không có dải phân cách, lại giao cắt với nhiều tuyến đường dân sinh từ các khu dân cư. Trong khi đường hẹp, chưa có hệ thống đường gom cho phương tiện xe máy, xe đạp, người đi bộ, chưa có hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, các phương tiện lưu thông mật độ, tốc độ cao, khiến nguy cơ tai nạn rình rập người đi đường diễn ra hàng ngày như một tất yếu.

Nếu không sớm có biện pháp khắc phục thì nhiều ngã 3, ngã 4 khác sẽ tiếp tục trở thành "điểm đen" trên QL.

Trao đổi và lắng nghe ý kiến, một số người dân cho biết: Chúng tôi mong muốn các cấp xem xét, sớm có phương án khắc phục tình trạng mất ATGT trên đoạn đường nối chạy qua địa bàn, hạn chế tốc độ các phương tiện qua lại, làm dải phân cách cứng, đồng thời sớm tổ chức xây dựng hệ thống đường gom nhằm đảm bảo ATGT cho người dân địa phương cũng như người qua lại.

Trước thực trạng trên, đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc khảo sát lại vị trí các “điểm đen” thường xuyên gây tai nạn trên các tuyến QL, có giải pháp xử lý để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Việt Linh