Quản lý đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Đất đai - Ngày đăng : 20:50, 01/12/2020
Nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 10,75%
Thông qua hoạt động giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, ngành Quản lý đất đai đã có những đóng góp đáng kể cho việc thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế. Đất đai đã tham gia trực tiếp như một nguồn vốn nội lực thông qua thị trường bất động sản và gián tiếp thông qua các chính sách pháp luật đất đai làm tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành như công nghiệp và xây dựng, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
Cụ thể, từ năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế SDĐ nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền SDĐ, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng thu từ đất năm 1999 là 3.641 tỷ đồng, trong đó từ thuế SDĐ nông nghiệp là 1.286 tỷ đồng, từ thuế nhà đất 295 tỷ đồng, từ thuế chuyển quyền SDĐ 327 tỷ đồng, từ tiền SDĐ 376 tỷ đồng, từ tiền thuê đất 339 tỷ đồng, từ bán nhà sở hữu Nhà nước 478 tỷ đồng.
Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, các khoản thu từ đất có rất nhiều thay đổi. Tổng thu từ đất năm 2004 là 17.594 tỷ đồng, trong đó: Thuế SDĐ nông nghiệp là 130 tỷ đồng; thuế nhà đất 438 tỷ đồng; thuế chuyển quyền SDĐ 640 tỷ đồng; tiền SDĐ 14.202 tỷ đồng; tiền thuê đất 846 tỷ đồng; bán nhà sở hữu Nhà nước 1.338 tỷ đồng. Lúc này, nguồn thu chính là tiền SDĐ, chiếm tới 80% tổng thu từ đất.
Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, hàng năm nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 10,75% tổng thu ngân sách. Năm 2020, dự kiến thu khoảng 141.766 tỷ đồng, trong đó: Thuế SDĐ nông nghiệp 13 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 32.270 tỷ đồng; thuế SDĐ phi nông nghiệp 1.303 tỷ đồng; tiền SDĐ 85.900 tỷ đồng; tiền thuê đất, thuê mặt nước 20.148 tỷ đồng; tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước 549 tỷ đồng; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác 1.582 tỷ đồng.
Với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, nguồn lực đất đai đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đến năm 2030 mức thu đạt 15 - 20% tổng thu ngân sách.
Nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 10,75%. Ảnh: Hoàng Minh |
Quỹ đất được khai thác hợp lý, tăng hiệu quả xã hội
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có chính sách thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế... tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân tại các địa phương, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Đồng thời, quan tâm đến đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân thông qua việc thu hồi đất đối với các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng, xây dựng, chỉnh trang đô thị mới, khu dân cư nông thôn. Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Với việc tiến hành quy hoạch SDĐ ở các cấp và được lập từ tổng thể đến chi tiết, kết hợp với các chính sách đất đai hợp lý, ngành Quản lý đất đai đang tạo cơ sở cho việc giao đất và SDĐ hợp lý, có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa tăng cường đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, vừa góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Cơ chế giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ tại các địa phương đã dần đi vào ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả SDĐ, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, bước đầu khắc phục có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan, dẫn đến SDĐ lãng phí, kém hiệu quả.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, SDĐ và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai năm 2013.