Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:21, 30/11/2020

(TN&MT) - Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2017-2020, cả nước phải hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện mới chỉ đạt 28% kế hoạch đề ra. Tiến độ chậm chạp này đang đặt ra thách thức lớn cho giai đoạn thực hiện tiếp theo.

Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 mới chỉ đạt 28% kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa

Tiến độ cổ phần hóa chậm

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. DNNN đã giảm mạnh về số lượng, nếu năm 1986 có 12.000 DNNN thì đến năm 1990 còn khoảng 6000 DNNN và đến tháng 9/2020 còn gần 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản, thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 07 đơn vị, công bố giá trị doanh nghiệp Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN. Lũy kế giai đoạn 2016-9/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.537 tỷ đồng. Trong đó, 38/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện công bố giá trị doanh nghiệp đến hết năm 2020 là 89 doanh nghiệp.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ 2016-9/2020 đạt 25.699 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Long cho biết, quá trình CPH DNNN đang có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ CPH còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành CPH 127 doanh nghiệp. Đến nay mới đạt 28% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện CPH đến 2020 với 93 doanh nghiệp phải hoàn thành việc công bố giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành 4/93 doanh nghiệp. Việc triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp thực hiện CPH quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Agribank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Mặt khác, tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng còn chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 doanh nghiệp. Đến nay, mới thoái vốn nhà nước tại 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch.

Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để CPH, thoái vốn quy định tại các Nghị định số: 126/2017/ NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐCP và các Quyết định số 22/2015/QĐTTg, 31/2017/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Cụ thể, việc rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện CPH gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp; Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu, địa phương phê duyêt, cho ý kiến chậm. Nghị định số 167/2017/NĐ-CP còn có nội dung chưa cụ thể, cách hiểu còn khác nhau dấn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà doanh nghiệp cổ phần phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về CPH; khi doanh nghiệp CPH trình phương án sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch của địa phương thì thực hiện thu hồi đất...

Tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp

Trước những tồn tại, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ CPH DNNN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, một trong những giải pháp quan trọng là Chính phủ cần sửa đổi căn bản chính sách và quy định pháp luật để đảm bảo DNNN có đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc cơ quan nhà nước quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hồng Long, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và cách thức quản lý theo hướng buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh. Áp dụng triệt để chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN. Đẩy mạnh cơ cấu lại, CPH, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn DNNN. Thu hẹp diện doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ giữ mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số DNNN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài.

Đồng thời, cần đổi mới cách thức thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp CPH. Tiền thu được từ CPH tập trung vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Củng cố, phát triển một số Tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Ảnh minh họa

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, đặc biệt, kiên quyết chống chảy máu tài sản công do lợi ích nhóm trong quá trình CPH DNNN.

Trước nguy cơ diện tích đất của các dự án CPH được định giá, cho khai thác, cho thuê hoặc bán với giá quá thấp, nhất là do tình trạng “chân gỗ”, “quân xanh quân đỏ” trong công tác đấu giá và được tăng tốc bằng những khoản tiền “bôi trơn” khổng lồ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất, để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường… Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp CPH, Nhà nước phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.

Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề cao kỷ luật chấp hành chỉ đạo trong công tác CPH của các bộ, ngành và địa phương; có phương án cụ thể, có nhiều bước đi hơn và minh bạch về nhân sự và xử lý lợi ích để giải tỏa tâm lý lãnh đạo DNNN sợ mất vị trí, quyền lợi sau CPH. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin và cụ thể hóa cơ chế tính giá trị, nghĩa vụ và quyền sử dụng đất đai, khắc phục tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm và ngại bộc lộ nhiều “vùng tối” về các mối quan hệ pháp lý, đất đai, nợ nần và quyết toán tài chính của DNNN. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần đặc biệt coi trọng và tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Kiểm toán nhà nước cần tăng cường hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, trong đó tập trung kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề về tài chính và định giá doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và hoạt động của DNNN...

Lưu Nguyên Sơn