Quảng Ngãi: Mưa lớn kéo dài, đồi núi tiếp tục sạt lở

Môi trường - Ngày đăng : 16:01, 30/11/2020

(TN&MT) - Đồi Le Ngói ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục sạt lở kéo theo hàng chục nghìn khối đất, đá tràn xuống, gây chia cắt, cô lập nhiều hộ dân ở các khu dân cư Tà Vây, Huy Duỗi và Măng Lăng...

Liên tiếp sạt lở núi

Ngày 30/11, ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, từ tối qua đến sáng nay, núi Le Ngói tiếp tục phát ra nhiều tiếng nổ lớn làm rung chuyển mặt đất khiến cho người dân vô cùng hoảng sợ.

Mưa lớn kéo dài khiến núi Le Ngói ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục sạt lở gây cô lập nhiều khu dân cư. 

Theo ông Vượt, mưa lớn kéo dài khiến núi đồi tiếp tục sạt lở vùi lấp hàng trăm mét đường , gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường Trường Sơn Đông nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên và cô lập nhiều khu dân cư ở khu vực này.

 “Sau hai ngày khắc phục thông tuyến, núi Le Ngói tiếp tục sạt lở kéo theo hơn 1.000 m3 khối đất, đá, bùn nhão chảy tràn xuống vùi lấp tuyến đường Trường Sơn Đông. Hiện nay các khu dân cư Tà Vây, Huy Duỗi và Măng Lăng, xã Sơn Long đang bị chia cắt. Sáng 30/11, chính quyền đã yêu cầu lãnh đạo các trường cho 33 học sinh ở những vùng bị cô lập nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng.”- ông Vượt cho hay

Trước đó, giữa tháng 11, bão lũ dồn dập từng khiến núi Le Ngói sạt trượt cuốn theo hơn hàng chục nghìn khối đất, đá tràn xuống làng, vùi lấp đường Trường Sơn Đông. Không dừng ở đó, lượng đất đá khổng lồ tiếp tục tràn xuống chân núi hàng trăm mét, đổ thẳng xuống KDC Huy Duỗi cách khu dân cư dưới chân núi khoảng 100 m. Sạt lở nghiêm trọng vùi lấp hai căn nhà và làm bị thương một người.

Sạt lở khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Gian nan chuyện tái định cư

Đêm đêm, nằm nghe tiếng nổ vang ra từ núi mà lòng thon thót âu lo. Cuộc sống của người dân vùng sạt lở ở Quảng Ngãi không còn bình yên khi mà nhà cửa, nương rẫy… có thể biến mất đi bất cứ lúc nào. 

Theo ông Vượt, trên địa bàn xã xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, gây ách tắc giao thông, nhưng chưa bao giờ có cảnh lũ bùn đỏ kinh hoàng như đồi Le Ngói hồi giữa tháng 11 vừa qua. Mưa hơn một tháng trời, cả ngọn núi đã no nước. Sau 3 tiếng nổ đinh tai, ngọn núi đổ ập xuống, phá vỡ và lôi tuột xuống lũ bùn mấy mươi mét đường bê tông của người dân xóm Huy Duỗi.

“Thật may là không có thiệt hại về người. Nếu ngày hôm trước không đưa dân đi trước thì thảm cảnh của 15 hộ với gần 100 khẩu ở đây còn đau đớn hơn ở Trà Leng”, ông kể.

Vụ sạt lở núi kinh hoàng ở xã Sơn Long hồi giữa tháng 11/2020

Sáng hôm vụ lở núi ấy, chính quyền xã Sơn Long đã dời tổng cộng 56 hộ dân cho đến tận hôm nay. Đến thời điểm này, 25/56 hộ ở xóm Huy Duỗi di dời sau sạt núi đã làm được nhà tạm để trú nắng trú mưa, còn lại ở xen ghép với dân trong thôn Ra Pân.

“Về lâu dài, phải tìm nơi tái định cư cho bà con, vì hiện nay nhiều hộ còn nhà không ai dám về xóm cũ. Tuy nhiên, với đồng bào Cadong, giờ để họ tự làm nhà là chuyện khó. Đồng bào ở đây không có thu nhập ổn định, quanh năm làm lúa rẫy, làm thuê và đi rừng hái lượm. Người Cadong hầu như chỉ đủ ăn”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho hay.

Theo chính quyền huyện Sơn Tây, việc tái định cư, làm nhà ở cho người Cadong gặp khá nhiều khó khăn. Với địa hình quá đồi dốc, nên việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp không đơn giản. Ngoài ra, để san ủi làm hạ tầng mặt bằng tái định cư và hỗ trợ bà con dựng nhà cũng cần kinh phí rất lớn. Hiện tại, địa phương đang kêu gọi mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân vùng núi lở.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông, từ đêm 27/11 đến ngày 1/12, địa phương xảy ra đợt mưa lớn diện rộng với lượng phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 450mm. Trên các sông ở Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Mưa lớn kéo dài có nguy cơ xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, đặc biệt là các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ; ngập lụt, ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

 

 

Lan Anh