Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 22:31, 29/11/2020

(TN&MT) - Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 11 ước đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. Ảnh minh họa

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, các Bộ ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%. Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.099 tỷ đồng, bằng 84,9% và tăng 70,2%; Bộ Y tế 4.705 tỷ đồng, bằng 70,5% và tăng 38,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.737 tỷ đồng, bằng 80,2% và tăng 46,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 2.199 tỷ đồng, bằng 71,8% và tăng 83,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 1.025 tỷ đồng, bằng 64,9% và tăng 14,6...

Vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 76,7% và tăng 27,8%; vốn NSNN cấp huyện đạt 92,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% và tăng 31,1%; vốn NSNN cấp xã đạt 17 nghìn tỷ đồng, bằng 95,8% và tăng 27,4%.

Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 11 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 40.388 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 35.275 tỷ đồng, bằng 73,7% và tăng 58,5%; Quảng Ninh 15.239 tỷ đồng, bằng 87,7% và tăng 46,9%; Bình Dương 11.826 tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 14,6%; Hải Phòng 10.357 tỷ đồng, bằng 71,7% và tăng 13,5%...

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%; có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 14,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 6,9%.

Trong 11 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 47,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 36,5%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 15,7%.

Trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,8 tỷ USD, chiếm 42,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đài Loan (TQ) 1,5 tỷ USD, chiếm 10,8%; Trung Quốc 1,4 tỷ USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 1.142,1 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 1.064,9 triệu USD, chiếm 7,9%; Nhật Bản 678,3 triệu USD, chiếm 5%.

Ở chiều ngược lại, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2020 có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 316,4 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 174 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 11 tháng đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Úc là nước dẫn đầu với 101,8 triệu USD, chiếm 20,8%; Đức 92,6 triệu USD, chiếm 18,9%; Lào 88,7 triệu USD, chiếm 18,1%; Hoa Kỳ 69,7 triệu USD, chiếm 14,2%.

Lưu Nguyên Sơn