Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Đa dạng phương pháp nghiên cứu nhằm gia tăng giá trị tài nguyên địa chất

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:48, 26/11/2020

(TN&MT) - Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (KHĐC&KS) đã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu, điều tra địa chất khoáng sản, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, góp phần phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT.

Để nhìn nhận rõ vai trò từ các kết quả nghiên cứu của Viện KHĐC&KS trong những năm qua, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện KHĐC&KS.

PV: Thưa ông, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện, đặc biệt là nghiên cứu địa chất - khoáng sản đã có những kết quả như thế nào?

PGS.TS Trần Tân Văn: Trong những năm qua, các đề tài nghiên cứu về khoáng sản và sinh khoáng do Viện thực hiện đã đánh giá được tiềm năng khoáng sản của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong đánh giá định lượng khoáng sản, sử dụng tài nguyên hợp lý, định hướng triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò cho ngành địa chất. Các đề tài nghiên cứu mô hình sinh khoáng về cơ bản đã xác lập được các tiêu chí cần thiết trong xây dựng mô hình, chỉ tiêu để đánh giá, xác nhận sự tồn tại kiểu mỏ. Qua đó làm rõ bối cảnh địa chất kiến tạo, đặc điểm thạch học - địa hóa đá vây quanh, nguồn gốc kim loại và nguồn nhiệt, nguồn dung dịch, cơ chế lắng đọng quặng và thể hiện được các đặc điểm chính của mô hình thành tạo quặng, dự báo được triển vọng quặng theo các mô hình được xác lập.

PGS.TS. Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện KHĐC&KS

Đề án Chính phủ “Đánh giá tiềm năng urani Việt Nam” do Viện chủ trì thực hiện đã xác lập được 12 kiểu mỏ và kiểu khoáng hoá urani trên lãnh thổ Việt Nam theo phân loại của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), xác định được 3 kiểu mỏ có triển vọng. Phân chia lãnh thổ Việt Nam thành 3 miền sinh khoáng urani, với 1 vùng quặng urani, 4 vùng quặng urani tiềm năng, 2 nút quặng urani tiềm năng; khoanh định 13 diện tích theo 2 mức A, B.

Bên cạnh những kết quả trên, Viện còn đạt được những thành quả đáng khích lệ trong: Nghiên cứu sự tiến hóa magma - kiến tạo đới cấu trúc Fansipan; kiến tạo và địa mạo, địa chất karst bước đầu làm rõ đặc điểm địa chất, địa mạo, tân kiến tạo, thạch học - cấu trúc của 11 đới đứt gãy ở miền Bắc Việt Nam; tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và giá trị kinh tế các khoáng sản, định hướng các tổ hợp phương pháp, quy trình công nghệ nghiên cứu khoáng sản ẩn sâu như chì - kẽm, sa khoáng thềm lục địa, than đồng bằng sông Hồng...

PV: Được biết, giải quyết vấn đề thiên tai cho các địa phương cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện. Xin ông cho biết, Viện đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

PGS.TS Trần Tân Văn: Không chỉ nghiên cứu về biến đổi khí hậu và tai biến địa chất, nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa chất môi trường;  di sản địa chất, công viên địa chất cũng là những nhiệm vụ được Viện chú trọng triển khai trong những năm qua.

Về biến đổi khí hậu, Viện đã xây dựng hệ phương pháp nghiên cứu phù hợp trong nghiên cứu trầm tích hang động ở miền Bắc Việt Nam phục vụ luận giải cổ khí hậu ở giai đoạn Pleistocen muộn - Holocen (khoảng 30.000 năm trở lại đây). Từ 400 năm trở lại đây khí hậu Việt Nam đến hiện tại có xu hướng nóng lên.

Từ năm 2012 - 2019, Viện đã triển khai và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá (TLĐĐ) tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Đề án lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1: 50.000 cho 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình. Sản phẩm hoàn thành là các bản đồ kèm theo báo cáo thuyết minh; được thành lập theo địa bàn huyện, thị xã của từng tỉnh.

Trên cơ sở phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, địa phương, Viện đã xác định được hơn 200 xã trọng điểm cần tiến hành công tác điều tra bổ sung, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng các loại bản đồ cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá trong mùa mưa bão; phục vụ kịp thời công tác di dân tái định cư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Trong năm 2017 - 2019, Đề án đã triển khai công tác điều tra chi tiết cho 50 xã thuộc 5 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Đồng thời, Viện đã tổ chức chuyển giao, triển khai các đợt tập huấn, quản lý, sử dụng bộ sản phẩm của Đề án cho các địa phương, phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão.

Viện đã chỉ ra 4 nhóm yếu tố liên quan đến sụt lún đất khu vực Bằng Lũng, Chợ Đồn, Bắc Cạn: cấu trúc địa chất, hệ thống karst ngầm, đặc điểm của tầng đất phủ và hạ thấp mực nước ngầm.

Ngoài ra, Viện đã phối hợp với các đối tác CHLB Đức và UBND tỉnh Hà Giang thực hiện thành công giai đoạn 1 của nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư do Bộ KH&CN (Việt Nam) và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức (BMBF) cấp kinh phí, cấp nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn bằng công nghệ bơm PAT không dùng điện. Kết quả của dự án đã được Bộ KH&CN phối hợp với VTV giới thiệu cuối năm 2019 như là 1 trong 10 sự kiện KHCN ấn tượng.

Bên cạnh đó, Viện đã cử nhiều đoàn cán bộ tới nghiên cứu, khảo sát các hiện tượng tai biến địa chất, giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống nhân dân địa phương.

Đoàn kiểm tra của Viện KHĐC&KS khảo sát tại vị trí sườn dốc dưới chân núi gần bản Pọng Ngoài, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi xảy ra lũ quét - lũ bùn đá vào cuối tháng 8/2019

Đặc biệt, Viện đã xây dựng thành công hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang); Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng); Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông ở tỉnh Đắk Nông; đồng thời, hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Trên cơ sở đó, Viện đã bước đầu tổng hợp các kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở các công viên địa chất trên.

PV: Để thúc đẩy sự phát triển của Viện trong thời gian tới, đặc biệt trong đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu, Viện sẽ tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Viện sẽ tiếp tục tăng cường và khuyến khích các nhà khoa học áp dụng các phương pháp, giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng khoa học của các đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn.

Ngày 3/8/2020, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã được Tổng Giám đốc UNESCO bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO với nhiệm kỳ 4 năm (9/2020 - 9/2024).

Ngày 28/4/2020, công trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng tổ hợp công nghệ viễn thám, WebGIS, mô hình không gian GIS phục vụ công tác điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Viện KHĐC&KS đã được xét tặng giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ của Bộ TN&MT lần thứ Nhất.

Đồng thời, phát huy và mở rộng vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Khoa học Viện trong việc đề xuất, tuyển chọn, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu, các đề tài, dự án chuyên môn, các hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo của Viện.

Viện cũng sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ; mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, các tổ chức, các địa phương, tiến tới ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn địa chất - khoáng sản, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ viên chức.

Ngoài ra, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình, dự án, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao trình độ, tiếp thu công nghệ mới, hội nhập với sự phát triển của khu vực và thế giới...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan