Khai mạc chuỗi hoạt động văn hoá chào mừng ngày Di sản Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 23/11/2020

(TN&MT) - Ngày 22/11, tại số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hoá với chủ đề “Ký ức Thăng Long” chào mừng ngày truyền thống Di sản Văn hóa Việt Nam.

Khai mạc chuỗi hoạt động văn hoá chào mừng ngày Di sản Việt Nam

Phát biểu tại lễ khai mạc ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, nơi hội tụ lắng đọng hồn thiêng sông núi, nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị di sản mà Hà nội đang có trong tiến trình ngàn năm xây dựng và phát triển, là kết tinh lao động sáng tạo ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản là việc làm quan trọng và cần thiết.

Trong nhiều năm qua với trách nhiệm của mình Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn tích cực, cố gắng trong việc bảo tồn các gía trị di sản của khu Phố cổ Hà Nội, việc giữ gìn các giá trị di sản không những là trách nhiệm với tiền nhân mà việc bảo tồn di sản còn có tính giáo dục, làm giàu có hơn đời sống tinh thần cho thế hệ hiện nay và mai sau.

Cùng với sự hợp tác tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu tại các điểm di tích trên địa bàn, đặc biệt Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh đến công tác bảo tồn, phát huy Di sản

Thông qua các chương trình, sự kiện văn hoá triển lãm, hội thảo, âm nhạc, thời trang diễn ra trong chuỗi hoạt động người dân và du khách thấy được sức sống trường tồn của di sản, không dừng lại ở đó các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật xuất hiện tại đây còn thể hiện sự sáng tạo, sự gắn kết giữa quá khứ, truyền thống và hiện đại.

Ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt cho biết: Để góp phần gìn giữ và phát huy các di sản trong đó có Áo dài nam truyền thống niềm tự hào của người Việt. Trong dịp kỷ niệm  ngày truyền thống Di sản văn hoá Việt Nam Câu lạc bộ phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức Hội thảo: “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong bối cảnh xã hội đương đại” và trình diễn thời trang “Chuyện phố”.

Áo dài nam một trong những bộ y phục truyền thống của người Việt

Mục đích của các hoạt này là nhằm đưa Áo dài truyền thống vào sâu hơn trong đời sống xã hội, tích cực quảng bá thương hiệu quốc gia, văn hóa trang phục và vận động mọi người tự tin mặc áo dài nam trong các dịp lễ, tết. Trong đó, Áo dài nam đặc trưng có năm thân và năm nút, cổ áo đứng. Áo được phân thành 3 loại áo đơn, áo kép và áo đôi. Với ý nghĩa năm thân của áo dài thì đây là số tượng trưng cho trời đất, hoặc tứ thân phụ - mẫu và bản thân của mình. Năm nút áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.

Đặc biệt, hiện nay Áo dài nam truyền thống được các đại sứ Việt Nam và những người trong ngành ngoại giao Việt Nam đã dần dần mặc áo dài nhiều hơn tại các hoạt động của sứ quán ở nước ngoài như ông Trần Ngọc An, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Úc…

Huy An