Bắt đầu nắn dòng để tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích sau vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng
Xã hội - Ngày đăng : 18:20, 19/11/2020
Do ảnh hưởng của các cơn bão số 10 đến số 13 nên công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tạm thời gián đoạn suốt gần nữa tháng qua.
Hai ngày qua, thời tiết ở Huế nắng ráo nên các lực lượng đã tiếp tục triển khai tìm kiếm cứu nạn tại vụ sạt lở ở nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng cứu hộ bắt đầu nắn dòng Rào Trăng để tìm kiếm |
Mưa lũ khiến tuyến đường 71 vào các thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, Sở chỉ huy tiền phương đã chỉ đạo cho các lực lượng Sở GTVT, lực lượng công binh kết hợp với lực lượng địa phương tiến hành khắc phục và thông tuyến.
Trên 200 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác đã tiến hành cơ động vào khu vực hiện trường để tiếp tục tìm kiếm.
Lực lượng chia thành 4 bộ phận, gồm bộ phận 6 xe cơ giới đào đắp, khơi thông dòng chảy; bộ phận tập kết vật liệu rọ đá, thu gom đá; bộ phận tổ chức tìm kiếm các nạn nhân và bộ phận cảnh giới, cắm mốc bảo đảm an toàn.
Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 đã cắt cử nhiều cán bộ chiến sĩ lội bùn, thay phiên nhau đưa các rọ đá vào khu vực vụ sạt lở để đắp đập và nắn dòng sông Rào Trăng 3. Hai kỹ sư xây dựng cầu đường của Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia đánh dấu vị trí múc đất, tạo dòng chảy mới cho sông.
Sau khi kỹ sư đánh dấu vị trí, 4 xe múc liên tục đào đất, tuy nhiên do dòng sông Rào Trăng chảy siết, có nhiều khối đá lớn khiến công việc nắn dòng Rào Trăng gặp nhiều khó khăn. Tại hiện trường sông Rào Trăng, lực lượng cứu hộ cứu nạn phát hiện nhiều khối bê tông lớn nằm dưới sông, khu vực nghi nhóm công nhân bị vùi lấp.
Đào đất ngăn đập sông Rào Trăng |
Trung tá Phan Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện các lực lượng tổ chức tìm kiếm gặp khó khăn do lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng rất lớn, khoảng 15 đến 20m3 nước/giây. Trước lúc lực lượng cơ động về Sở Chỉ huy tiền phương để trú tránh bão số 13 đã đào khoảng 60% khối lượng công việc, thế nhưng đến thời điểm hiện tại khối lượng đất đá bồi lấp tương đối lớn. Vì thế, lực lượng đơn vị đã tập trung phương tiện máy móc, nhân lực để tập trung nắn lại dòng chảy, tập kết đầy đủ các vật liệu để bảo đảm công tác đắp đập nắn dòng về phía thượng lưu đạt kết quả tốt...
Sau khi tạo dòng chảy mới, lực lượng tìm kiếm sẽ tập trung tìm kiếm dưới lòng sông Rào Trăng, tại khu vực hiện trường khoảng 100m. Theo lực lượng tìm kiếm, đây là một trong những vị trí được cho là có khả năng cao nhất các nạn nhân bị vùi lấp, vì vậy công tác tìm kiếm được các lực lượng thực hiện rất thận trọng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Ban điều hành thủy điện Rào Trăng 3, kế hoạch triển khai đắp đập nắn dòng chảy bây giờ rất khó khăn do suối sâu, rộng, nước chảy xiết, khối lượng đất đào đắp tương đối lớn, thời tiết mưa gió, cho nên làm ngày một ngày hai không thể nào xong được.
“Nhưng với quyết tâm cao, công ty sẽ phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cả ngày lẫn đêm làm sao để tìm kiếm được các công nhân còn mất tích càng sớm càng tốt”, ông Thành nói.
Việc tìm kiếm 12 nạn nhân còn lại gặp nhiều khó khăn |
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu chủ đầu tư dự án ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng để tìm kiếm người bị mất tích; thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Xây dựng, TN&MT theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các công việc kiểm tra, giám định sự cố. Giao Sở Công Thương có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố vừa qua.
Cho đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 5 công nhân và đã xác định được danh tính, đưa về quê lo hậu sự. Vẫn còn 12 công nhân đang mất tích.
Một lượng rất lớn lượng thực, thực phẩm, nhiên liệu đã được tiếp tế vào thủy điện Rào Trăng 4 cho các lực lượng cứu hộ. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa người thân các nạn nhân vào hiện trường để chứng kiến công tác tìm kiếm.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn ngoài việc nỗ lực tranh thủ từng ngày từng giờ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Tuyệt đối không để công tác cứu hộ cứu nạn lại phải cứu hộ cứu nạn thêm 1 lần nữa...