Thuận thiên để thịnh vượng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:42, 18/11/2020

(TN&MT) - Thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng thêm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã tạo thêm động lực mới cho toàn khu vực.

Với việc tập trung nguồn lực theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang mở ra một chương mới, tạo sức bật để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, trở thành vùng phát triển năng động của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thu được “quả ngọt” bởi sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp kịp thời của Chính phủ

Ba năm trước, Hội nghị triển khai Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại Cần Thơ, được xem là bước đột phá, mở ra kỳ vọng cho những bước tiến nhảy vọt trong tương lai của vựa lúa lớn nhất cả nước. Tại sự kiện quan trọng này, chúng ta chứng kiến, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm, thẳng thắn đo đếm kết quả hành động trên tất cả các lĩnh vực, nhằm tạo sự chuyển mình thực chất cho “vùng đất vàng” Cửu Long.

Cũng ở đó, một lần nữa chính sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là “thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, dựa vào các quy luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên được các nhà quản lý, nhà khoa học nhắc đến. Đồng thời, khẳng định “thuận thiên” không có nghĩa là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, số phận suy vong hay thịnh - phát do chính con người quyết định bằng hành động, chứ không phải “thuận thiên” là xuôi tay. Xét cho cùng, thử thách tự nhiên và tạo hóa không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh, niềm tin của con người.

Năm 2020, trong các đợt kiểm tra, các cuộc làm việc về tình trạng xâm nhập mặn, người đứng đầu Chính phủ đều quán triệt phương châm “không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt” và tiến tới “biến nguy thành cơ”, biến nguy cơ từ hạn, mặn thành thời cơ để phát triển nông nghiệp, khai thác, sản xuất hợp lý “thuận thiên”…

Qua khô hạn mặn khắc nghiệt, chúng ta rút ra phương châm, “một vấn đề khó, thậm chí, rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và giành thắng lợi”. “Vaccine” có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó.

Thiên tai, biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng gay gắt, giữa sự khắc nghiệt gần đến ngưỡng tận cùng của Mẹ thiên nhiên, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thu được “quả ngọt” bởi sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ, Bộ TN&MT, các Bộ ngành liên quan đến địa phương bị tác động.

Bài học từ hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long là tình huống thiên tai, song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí, khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ. Đó cũng là cách đã tạo ra kiến thức bản địa của người dân đồng bằng bao đời nay. Các thế hệ khai phá vùng châu thổ Cửu Long đã chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế.

Thoát nghèo làm giàu ở Đồng bằng sông Cửu Long với mối lương duyên "con tôm ôm cây lúa"

Trong thời điểm hạn mặn đầy cam go, chúng ta thấy những điểm sáng, ở một số tiểu vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây trong những năm qua.

Thực tế, không riêng năm 2020, thời điểm năm 2016, hạn mặn lịch sử đã khiến hơn nửa triệu nông dân khắp Đồng bằng sông Cửu Long bị mất trắng mùa vụ, hàng nghìn người phải di cư do thiếu việc làm và khan hiếm nước ngọt. Thời điểm đó, thiệt hại do hạn hán, xâm ngập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long theo thống kê lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.

Trong khó khăn, một số làng quê, người nông dân vẫn kiên cường trên mảnh ruộng, vườn ao trước nhà. Họ không bị mùa khô tác động, mùa vụ không mất mát là bao. Đó là câu chuyện của những hộ dân có xuất phát điểm rất nghèo ở Cù Lao Giêng (An Giang) và Cồn Sơn (Cần Thơ). Vài năm trước, khi họ cảm nhận được những diễn biến thời tiết bất thường, cây trồng truyền thống bị ảnh hưởng, đã chủ động tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới để thích ứng. 

 Ở Cù Lao Giêng - một cù lao nhỏ trên thượng nguồn sông Hậu, nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài ba màu, giống xoài vừa có giá trị kinh tế cao lại dễ trồng và thích hợp với thời tiết khô hạn. Sau vài vụ thu hoạch, cung ứng nguồn hàng cho xuất khẩu với thu nhập trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm, tất cả họ đã mau chóng thoát nghèo và trở thành những “tỷ phú nông dân” bền vững.

Đáng nói, khu vườn của họ không chỉ tạo doanh thu gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa mà nó còn tạo ra điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh An Giang. Vì vậy, ngoài doanh thu từ xoài, các hộ dân giờ còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động du lịch cộng đồng, cung cấp dịch vụ thăm quan, trải nghiệm bản sắc địa phương và nghỉ ngơi tại chính khu vườn của mình.

 Còn tại Cồn Sơn - một cù lao nhỏ do phù sa bồi đắp, cũng là một minh chứng thành công nữa cho những nông dân biết “tự cứu mình” trước thách thức của thiên nhiên. Nhiều hộ dân nơi đây lựa chọn chuyển sang nuôi các loại cá đặc hữu như: Cá bông lau, cá hồng vỹ, cá cọp, cá hô, cá thác lác… Điều thú vị hơn là một số hộ dân còn sáng tạo ra cách đưa những loài cá nuôi thành những sản phẩm du lịch “độc quyền” như “cá lóc bay” hay “chả cá Cồn Sơn”… Nhờ đó, Cồn Sơn đã mau chóng trở thành mô hình sản xuất kết hợp du lịch cộng đồng điển hình, là điểm đến tham quan không thể thiếu của các tour miệt vườn ở Cần Thơ; nhiều nông dân giờ trở nên giàu có.

Câu chuyện của những người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua, thiên tai, hạn mặn cho thấy, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất. Trong đó, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm giúp gần 20 triệu dân ĐBSCL cùng vượt qua thách thức là yếu tố sống còn để đưa mảnh đất “chín Rồng” phát triển bền vững.

Từ khi có Nghị quyết số 120 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự... Điểm nghẽn về nguồn vốn cũng đang được quan tâm giải quyết để bố trí nguồn lực Nhà nước cho phát triển vùng: Vốn bổ sung cho các dự án xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm là 2.500 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, đã giao 3.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho 20 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án công trình thủy lợi, thủy sản, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu khu vực này...

 

Q.Minh