Nguồn tài trợ do thiên tai chưa đến được nơi cần thiết

Thế giới - Ngày đăng : 19:11, 17/11/2020

(TN&MT) - Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, số lượng thiên tai do thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện liên quan đến khí hậu đang gia tăng, nhưng nguồn tài trợ vẫn chưa đến nơi cần thiết nhất.

Các tình nguyện viên chất nhiều thiết bị viện trợ để chuyển đến các hòn đảo xa xôi tại một trung tâm viện trợ của Hội Chữ thập đỏ, vài ngày sau cơn bão Pam ở Port Vila, thành phố thủ phủ của Vanuatu vào ngày 19/3/2015. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo “Come Heat or High Water” của IFRC, lũ lụt, bão và sóng nhiệt mỗi thập kỷ đã tăng gần 35% kể từ những năm 1990, ảnh hưởng đến 1,7 tỷ người trong 10 năm qua và làm chết khoảng 410.000 người.

Báo cáo cho biết những thiên tai trên hiện chiếm tới 83% tổng số thảm họa và ngày càng có nhiều nguy cơ xảy ra các thảm họa cùng lúc, làm gia tăng đáng kể các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các khoản tài trợ để đối phó với những thiên tai như vậy không phải lúc nào cũng đến được với những người dễ bị tổn thương nhất. “Có sự khác biệt rõ ràng giữa nơi chịu rủi ro khí hậu lớn nhất và nơi tài trợ cho thích ứng với khí hậu”, ông Jagan Chapagain, Tổng Thư ký IFRC cho biết và nhấn mạnh cộng đồng viện trợ đã không hoàn thành nhiệm vụ ở một số quốc gia.

Trong số các quốc gia được xếp hạng là dễ bị tổn thương nhất bởi những thảm họa, có Sudan, nơi đã trải qua lũ lụt kỷ lục trong năm nay và Somalia bị hạn hán. Tuy vậy, theo nghiên cứu, các quốc gia này lần lượt chỉ nhận được 27 xu và 59 xu cho mỗi người vào năm 2018.

Ngược lại, không có quốc gia nào trong số năm quốc gia được tài trợ cao nhất được đánh giá dễ bị tổn thương nhất, nhưng các quốc gia này không được nêu tế.

Kirsten Hagon, tác giả chính của báo cáo cho biết: “Có những quốc gia rất dễ bị tổn thương nhưng lại đang bị bỏ rơi”.

Các nỗ lực toàn cầu đang được thực hiện để giải quyết sự mất cân bằng này. Là một phần của cam kết theo thỏa thuận Paris năm 2015, các nước giàu hơn cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2020. Tuy vậy, theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (​​OECD) - nơi ước tính viện trợ ở mức 79,8 tỷ USD vào năm 2018 - nguồn tài trợ cho đến nay vẫn còn thiếu.

Chia sẻ về lý do của việc viện trợ gặp gián đoạn trong báo cáo, Chapagain cho rằng đôi khi các yêu cầu nghiêm ngặt về trách nhiệm giải trình của các nhà tài trợ là một trở ngại. “Có thể vấn đề không phải do các nhà tài trợ hiểu sai mà do cách thực thực hiện các quyết định tài trợ”, ông Chapagain nói khi đề cập đến các nhà tài trợ “rất khắt khe” và cần phải giải quyết vấn đề này.

Mai Đan