Phát triển các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam: 20 năm nhìn lại

Môi trường - Ngày đăng : 17:03, 17/11/2020

(TN&MT) - Các Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) tại Việt Nam không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Đây là nơi gắn kết giữa con người và thiên nhiên, nơi có thể áp dụng những kiến thức tích luỹ được trong quá trình nghiên cứu vào việc bảo tồn và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai.

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được sau 20 năm Việt Nam tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) của UNESCO. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển và định  hướng phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Cách đây 20 năm, Việt Nam có khu dự trữ sinh quyển đầu tiên là rừng ngập mặn Cần Giờ. Cho đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 9 KDTSQ đã được công nhận, với tổng diện tích hơn 4,1 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước. Đây là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người và cũng là những khu vực có giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học vô cùng phong phú.

Khai thác và bảo tồn giá trị từ 9 KDTSQ

Nhìn nhận lại quá trình hình thành và phát triển mạng lưới các khu DTSQTG tại Việt Nam trong suốt 20 năm, các nhà quản lý, các chuyên gia đều cho rằng, đã các KDTSQ có ý nghĩa quan trọng, thể hiện việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phát triển mạng lưới các khu DTSQ cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO trong các lĩnh vực về di sản, công viên địa chất toàn cầu và dự trữ sinh quyển, hướng tới  phát triển bền vững.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo nhiều cơ hội để chúng ta được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Thứ trưởng cũng ghi nhận, thời gian qua, tại các khu dự trữ sinh quyển, đã có nhiều khởi xướng, nỗ lực để triển khai các Chiến lược và Kế hoạch hành động LIMA của Chương trình Con người và sinh quyển, nhằm cải thiện sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tồn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, về bảo vệ môi trường, về đa dạng sinh học và cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

Những kết quả từ việc phát triển và quản lý các KDTSQ tại Việt Nam đã được thể hiện rõ nét. Các nhà quản lý, nhà khoa học đều khẳng định, đến nay, Khu DTSQTG tại Việt Nam không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Các khu DTSQ không chỉ nhằm bảo tồn tự nhiên, đa dạng sinh học mà còn là nơi gắn kết giữa con người và thiên nhiên, nơi có thể áp dụng những kiến thức tích luỹ được trong quá trình nghiên cứu vào việc bảo tồn và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai.

Việt Nam đã tận dụng tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của UNESCO để phát triển các khu DTSQTG trên các lĩnh vực như củng cố hành lang pháp lý, tăng cường năng lực quản lý, củng cố thể chế, bộ máy, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; đồng thời ta cũng xây dựng và mở rộng mạng lưới hoạt động của các Khu DTSQ của Việt Nam với các Khu DTSQ trong khu vực và trên thế giới, cũng như mạng lưới giữa các chuyên gia trong lĩnh vực DTSQ…

 Việt Nam cũng tham gia tích cực, đóng góp các sáng kiến, mô hình hoạt động…của Mạng lưới khu DTSQTG. Hiện nay ta cũng đang là thành viên của MAB-ICC quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021). Một số sáng kiến như như Dán nhãn sinh quyển (khu DTSQ Cát Bà), áp dụng mô hình kinh tế xanh và cacbon thấp (khu DTSQ Cù Lao Chàm), hạn chế rác thải và không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần...được UNESCO đánh giá cao.

Các đại biểu cùng đánh giá lại công tác quản lý các khu DTSQ trong 10 năm qua

Cùng với đó, sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật của 9 khu DTSQTG tại Việt Nam vừa góp phần mở rộng mạng lưới khu DTSQTG vừa quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam; đồng thời cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển mạng lưới Khu DTSQTG đã huy động được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, và nhất là các địa phương sở hữu Khu DTSQTG, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế; từ đó đóng góp vào việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và Thế giới.

“Để đạt được những kết quả này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Ngoại giao thông qua việc xúc tiến đề cử các khu dự trữ sinh quyển, sự ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; sự hợp tác của UNESCO, đặc biệt là Văn phòng đại diện tại Việt Nam; và quan trọng hơn cả là sự vào cuộc tích cực của Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu dự trữ sinh quyển, Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), và các bên liên quan trong 20 năm qua”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận.

Cần chiến lược quản lý hiệu quả hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng cho rằng, việc quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao do vậy việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác như thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; Việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các KDTSQ còn chưa hiệu quả; Năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả. 

“Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT đang phối hợp với UNDP thực hiện dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019-2024” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu

Trong khi đó, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam. Chúng ta cần có các quan hệ đối tác công mạnh mẽ hơn và các chiến lược hiệu quả để có được sự tham gia tích cực của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn của quốc gia và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam vì đã có thành tích góp phần xây dựng và phát triển ngành TN&MT.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho GS.TS Nguyễn Hoàng Trí

Bộ TN&MT cũng tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát triển khu DTSQTG tại Việt Nam../.

Thay mặt Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân

Tống Minh