Kiểm soát chặt chất nạo vét trên vùng biển

Biển đảo - Ngày đăng : 11:01, 17/11/2020

(TN&MT) - Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát các vật chất nạo vét và nhận chìm, đảm bảo yếu tố môi trường, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này lấy làm căn cứ thực hiện.

Chất nạo vét phải được đánh giá một cách toàn diện

Thông tư đã đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ về những nội dung cần phải đánh giá đối với chất nạo vét. Đây là quy định tương đối toàn diện với việc đánh giá vật chất nạo vét để được phép nhận nhìm tại khu vực biển Việt Nam.

Theo đó, trước khi nạo vét, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam phải tiến hành đánh giá đặc điểm thành phần, tính chất vật lý, hàm lượng chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; Đánh giá khả năng lắng đọng, tạo cặn, chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; Đánh giá mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; Đánh giá độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; Đánh giá khả năng tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét.

Trường hợp các phương pháp tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp tiêu chuẩn khu vực hoặc phương pháp tiêu chuẩn nước ngoài chưa được quy định tại Thông tư này sẽ được xem xét, chấp nhận sử dụng nếu có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn.

Trường hợp các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các phương pháp mới thì áp dụng theo các phương pháp mới đó.

Chất nạo vét phải được đánh giá một cách toàn diện. Ảnh: MH

Điều tra, thu thập thông tin vùng quanh khu vực nạo vét

Không chỉ quan tâm đến vật chất được nạo vét, tính chất và nguy cơ, Thông tư còn hướng dẫn khá chi tiết về việc cần thiết phải đánh giá các vật chất xung quanh khu vực có chất nạo vét. Điều này sẽ đảm bảo một cách toàn diện hơn cho việc thực hiện nạo vét khoa học và không làm ảnh hưởng nhiều tới môi trường xung quanh. Đây là một bước tiến mới nhằm giám sát chặt chẽ chất nạo vét và vật chất xung quanh khu vực được nạo vét.

Theo đó, phải có thông tin, tài liệu, dữ liệu về vị trí, tọa độ, độ sâu, địa hình vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển, đáy biển của khu vực nạo vét; Trong đó, làm rõ các thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường của khu vực nạo vét;

Thông tư còn hướng dẫn các cơ quan thực hiện, tổ chức cá nhân phải có thông tin cụ thể về mục đích nạo vét; diện tích, thể tích, khối lượng, chiều sâu nạo vét, thời gian nạo vét; thiết bị phục vụ hoạt động nạo vé. Đồng thời, cung cấp hồ sơ thông tin về lịch sử nạo vét (nếu có) bao gồm: vị trí, diện tích, thể tích, khối lượng, thời gian nạo vét; kết quả đánh giá chất nạo vét của các lần nạo vét trước đây; thông tin, tài liệu, dữ liệu về việc khai thác, sử dụng khu vực nạo vét; các giá trị về kinh tế, sinh thái của tài nguyên thiên nhiên khu vực nạo vét; các vấn đề về khai thác, sử dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở khu vực nạo vét;

Ngoài ra, cần sử dụng các nguồn thông tin, dữ liệu được đảm bảo, mang tính chất chân thực được cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp như: Nguồn thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ đánh giá chất nạo vét phải được lấy từ dữ liệu Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành và Cục Thống kê cấp tỉnh. Thông tin, tài liệu, dữ liệu từ các Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của các dự án, hoạt động nạo vét. Thông tin, tài liệu, dữ liệu khác liên quan đến hoạt động nạo vét do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp theo quy định;

Thông tin, tài liệu, dữ liệu quan trắc tài nguyên, môi trường của hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của thế giới, khu vực, quốc gia và hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của các Bộ, ngành, địa phương hoặc các thông tin này phải là kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Quốc gia đã được nghiệm thu, Thông tin, tài liệu, dữ liệu từ các hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học tại khu vực nạo vét.

Sau khi tổng hợp, đánh giá thông tin, tài liệu, dữ liệu đã được thu thập, điều tra theo quy định cho thấy không xuất hiện các nguồn gây ô nhiễm, không có biến động về điều kiện môi trường, sinh thái trong khu vực nạo vét và vùng phụ cận mới đề xuất xin cấp giấy phép nạo vét và tiến hành phê chuẩn. Đây là bước tiến mới trong việc kiểm soát chặt các chất nạo vét để làm tiền đề đề xuất khu vực nhận chìm ở biển đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và yếu tố môi trường, bảo tồn sinh vật biển.

Minh Thư