Bộ TN&MT đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tại các mỏ ở Lai Châu và Phú Thọ

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:04, 12/11/2020

(TN&MT) - Sáng 12/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với đá vôi dolomit ở khu vực Bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và nước khoáng khu vực Thanh Thủy, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi dolomit ở khu vực Bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ông Phan Văn Cừ - Trưởng phòng Công nghệ mỏ, Công ty TNHH MTV Tư vấn Xây dựng Địa chất Khoáng sản Hà Nội, đơn vị tư vấn của đề án thăm dò cho biết kết quả thăm dò đã làm rõ đặc điểm địa chất, hình thái kích thước thân đá vôi dolomit và các thành tạo địa chất có mặt trong diện tích thăm dò.

Đồng thời, đã thi công các công trình thăm dò bao gồm: khoan, dọn vết lộ tại các trạm đo khe nứt, lấy mẫu công nghệ, lấy các loại mẫu, đo khe nứt ở các trạm trên mặt và lõi khoan theo đề án đã được phê duyệt. Tài liệu thu thập được đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá về thành phần khoáng vật, thạch học, thành phần hóa, độ trắng, đặc tính kỹ thuật, tính chất cơ lý và đặc điểm công nghệ của đá vôi dolomit làm đá ốp lát và sản xuất vôi dolomit, clinke dolomi làm vật liệu chịu lửa trong diện tích thăm dò. Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất, tính chất kỹ thuật, độ thu hồi khối, tính chất cơ lý... đủ độ tin cậy để tính trữ lượng đá vôi dolomit ở cấp 121 và 122.

Kết quả phân tích mẫu, đo khe nứt cho thấy đá vôi dolomit khu vực Bản Lang có chất lượng trung bình, đá có màu trắng, trắng phớt hồng, xám trắng, xám xanh, đạt các chỉ tiêu để làm đá ốp lát, sản xuất vôi dolomi và clinke dolomi làm vật liệu chịu lửa. Độ thu hồi đá khối (lớn hơn hoặc bằng 0,4m3) theo tài liệu moong khai thác thử đạt 19,14% .

Ông Phan Văn Cừ - Trưởng phòng Công nghệ mỏ, Công ty TNHH MTV Tư vấn Xây dựng Địa chất Khoáng sản Hà Nội báo cáo tại cuộc họp

Đánh giá báo cáo trên, ông Lê Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Công tác nghiên cứu địa chất cơ bản đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất khu thăm dò, làm cơ sở bố trí công trình thăm dò. Cụ thể, khu mỏ đã được đo vẽ và lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000. Trong giai đoạn thăm dò này đã tiến hành đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:2.000, trên diện tích 21,5ha. Từ các tài liệu thu thập được tại các công trình khoan và vết lộ kết hợp với các tài liệu địa chất trước đây, tác giả đã thành lập được bản đồ địa chất khu mỏ ở tỷ lệ 1:2.000 cho thấy khu mỏ phân bố hoàn toàn là đá vôi, đá vôi dolomit thuộc hệ tầng Bản Páp có khả năng làm đá ốp lát và làm đá vôi dolomi.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, trong giai đoạn khai thác mỏ cần tính toán, đảm bảo chắc chắn; thiết kế khai thác mỏ phải đảm bảo độ an toàn trong quá trình khai thác. Liên quan đến độ dốc trong khai thác mỏ, cần theo nguyên tắc khai thác phải triệt để tiết kiệm tài nguyên nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu đơn vị tư vấn và chủ đầu tư sớm hoàn thiện, bổ sung tài liệu và hoàn thiện báo cáo để trình Hội đồng phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Toản – Đại diện Công ty cổ phần Ao Vua báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nước khoáng khu vực Thanh Thủy, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Toản – đại diện Công ty cổ phần Ao Vua, đơn vị tư vấn của đề án thăm dò trên cho biết: Công tác đo vẽ được thực hiện trong diện tích khu vực thăm dò và mở rộng ra ngoài diện tích khoảng 2 km2; kết hợp với kết quả công tác khoan đã chính xác hóa ranh giới địa chất, phân chia các phân vị địa tầng; các tầng chứa nước, các đặc điểm kiến tạo trong khu vực thăm dò.

“Kết quả phân tích thành phần hóa học trong nước cho thấy hàm lượng NO2 cao quá giới hạn. Đây là những dấu hiệu ban đầu của sự nhiễm bẩn, chính vì vậy trong quá trình khai thác cần giữ vệ sinh khu vực khai thác. Bên cạnh đó, cần thực hiện, kiểm tra lại công tác cách ly, trám sét, đổ bệ giếng nhằm cách ly các nguồn ô nhiễm khí NO2 theo thời gian khai thác…”, đại diện Công ty Ao Vua kiến nghị.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, mục tiêu trữ lượng đã đạt và vượt mục tiêu ban đầu đề ra - 200.000 m3/ngày đêm. Hơn nữa, chất lượng và trữ lượng đã được phân tích rõ, không phù hợp với nước sinh hoạt, ăn uống nhưng phù hợp cho dịch vụ ngâm tắm, chữa bệnh với điều kiện kiểm soát được các yếu tố độc hại về môi trường nước.

Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và các đồng chí có trách nhiệm ở Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương huyện Thanh Thủy kiểm soát các hộ khai thác nước khoáng nhỏ lẻ, kinh doanh tự phát và không có giấy phép khai thác; nếu các hộ tự nguyện dẹp bỏ thì vừa động viên, thuyết phục, tuyên truyền vừa hỗ trợ kinh phí trám lấp cho các hộ này.

Mai Đan