Đo lường hiệu quả công việc là “xương sống” trong quản trị đại học

Xã hội - Ngày đăng : 10:49, 12/11/2020

(TN&MT) - Đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong bất kì một tổ chức nào, là cơ sở để đưa ra các quyết định chiến lược về nhân sự và định hướng phát triển lâu dài cho tổ chức. Nhận thức rõ điều này, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã tiến hành xây dựng mô hình KPI để đo lường hiệu quả công việc.

Đánh giá công việc công bằng, hiệu quả hơn nhờ KPI

Mục tiêu Nhà trường đặt ra khi xây dựng mô hình KPI là: công việc cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, có thời gian cụ thể. Từ đó, giúp Nhà trường phát triển về cả chất lượng đào tạo và hiệu quả công việc của cán bộ công nhân viên.

Đánh giá KPI là hệ thống “xương sống" trong quản trị đại học giúp nhà quản trị có thể lượng hóa và đánh giá công bằng, khách quan công việc của cấp dưới, PGS.TS Hoàng Anh Huy – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “Để vận hành mô hình KPI thành công, khi Nhà trường bắt đầu bước sang tự chủ, cần tập trung vào 3 nội dung chủ đạo, gồm: quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế thi đua, khen thưởng; hệ thống phần mềm theo dõi, tổng hợp, tính toán, đo lường và lượng hóa các chỉ số KPI”.

Nhà trường đã xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc với sự hỗ trợ của phần mềm KPI nhằm thay đổi toàn diện cách thức làm việc cũng như quản lý của Nhà trường. Trong quá trình triển khai, Nhà trường đã tiến hành khảo sát để thành lập Ban Xây dựng và thử nghiệm mô hình, đồng thời, tinh gọn mô hình thẻ điểm cân bằng (BSC), điều chỉnh mô hình này để phù hợp với trường đại học. Khi đó, BSC không phải là thẻ điểm cân bằng trên 4 tiêu chí mà doanh nghiệp thường sử dụng bao gồm: Tài chính, Quy trình, Khách hàng, Năng lực, mà thay vào đó là dựa trên 3 trụ cột: Khen thưởng, Chỉ tiêu và Chỉ số hiệu quả công việc.

Sinh viên Khoa Tài nguyên nước phân tích mẫu nước cùng với sinh viên Hà Lan

Thay đổi cách thức quản lý theo hướng hiện đại

Trường Đại học TN&MT Hà Nội là một trong số hiếm hoi các trường đại học triển khai mô hình KPI. Tại Hà Nội, mới có một số trường triển khai hoặc đang manh nha triển khai mô hình này. Con số này cũng không nhiều trên cả nước.

Mô hình đã được Trường Đại học TN&MT Hà Nội xây dựng thành công và phần mềm đang được trường thử nghiệm từ tháng 8/2020. Theo PGS.TS. Hoàng Anh Huy, việc triển khai KPI trong thời gian tới sẽ nâng cao khả năng làm việc của giảng viên, bởi sinh viên sẽ tham gia vào việc đánh giá giảng viên trong trường. Qua đó, Nhà trường có thể đánh giá chính xác năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, giảng viên và công nhân viên, có hình thức khen thưởng và xử phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, với việc sử dụng KPI sẽ đảm bảo không còn chuyện “cào bằng” trong việc ghi nhận kết quả công việc của từng đơn vị, cá nhân trong toàn trường. Điều này sẽ giúp bộ máy của Nhà trường hoạt động tối đa năng lực của mình.

“Thay đổi cách thức quản lý và nhìn nhận quản trị đại học theo hướng mới là bước chuẩn bị tốt nhất và phù hợp với bối cảnh tự chủ năm 2021 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/7/2019”. Mặc dù, việc thay đổi thói quen trì trệ của giai đoạn cũ sang cách thức làm việc năng động, hiệu quả, hướng tới lấy người học làm mục tiêu phục vụ của toàn thể cán bộ trong toàn trường, việc thay đổi tư duy quản lý cũ sang tư duy quản trị mới là một bước đi rất khó khăn, rất cần sự quyết liệt từ cấp cao nhất của Nhà trường. PGS.TS. Hoàng Anh Huy nhấn mạnh.

KPI - Key Performance Indicators, là một hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân.

Lan Chi