Sông Mã (Sơn La): Nỗ lực quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:02, 10/11/2020
“Dẹp” khai thác cát trái phép
Huyện Sông Mã có nhiều suối lớn chảy trên địa bàn và có sông Mã chảy qua địa bàn 13 xã từ xã Bó Sinh đến xã Chiềng Khương dài khoảng 90 km, với đặc điểm địa hình dốc lớn, hàng năm do mưa lũ bồi tụ dưới lòng sông Mã có một lượng rất lớn cát để làm vật liệu xây dựng.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây, trên địa bàn huyện Sông Mã diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép. Qua kiểm tra tại 5 xã, thị trấn có điều kiện thuận lợi về giao thông để kinh doanh cát: Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương, nhận thấy: Thời điểm năm 2009 trên địa bàn 5 xã có 44 hộ gia đình, với 49 phương tiện khai thác trái phép; đến năm 2019 đã có khoảng 100 hộ, hơn 100 phương tiện khai thác cát (tàu hút cát, máy hút trực tiếp, bè).
Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã cơ bản không còn nạn khai thác cát trái phép, các tàu hút cát đã dừng hoạt động |
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, UBND huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các Văn bản hướng dẫn thi hành; duy trì hoạt động của 2 Đoàn kiểm tra, gồm lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác trái phép. Phối hợp với Sở TN&MT điều tra, khảo sát các điểm cát có triển vọng để lập phương án trình UBND tỉnh bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát tỉnh Sơn La đến năm 2020.
Kết quả, trong năm 2019, đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 24 cá nhân khai thác cát trái phép. Năm 2020, đã phát hiện 22 vụ, 22 cá nhân khai thác cát trái phép. Phát hiện tàng trữ, vận chuyển cát 65 vụ, với tổng tiền phạt gần 140 triệu đồng; thu giữ hơn 624 m3 cát, đã đấu giá 460,5 m3 với tổng số tiền trúng đấu giá gần 300 triệu đồng.
Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh kiểm tra, chốt chặn các xe chở cát không có hóa đơn, chứng từ yêu cầu quay đầu xe. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đại diện chủ đầu tư các dự án khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát sỏi do nhà thầu cung cấp; chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp.
Bằng nhiều nỗ lực, đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra tại thị trấn Sông Mã và các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương, về cơ bản các hộ dân đã dừng khai thác cát trái phép. Tại các bãi tập kết ở 2 bên bờ sông Mã chỉ còn tồn một lượng nhỏ cát đã khai thác từ trước.
Cùng với đó, UBND tỉnh Sơn La đã cấp 1 Giấy phép thăm dò 5 điểm cát trên sông Mã thuộc địa bàn xã Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành thăm dò trữ lượng khoáng sản cát và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác 5 điểm cát; đã lập xong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang trình Hội đồng thẩm định tỉnh thẩm định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 9 điểm cát tại các xã Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khương cho 1 đơn vị. UBND huyện đã phối hợp với Sở TN&MT bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho đơn vị trúng đấu giá; đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Việc cấp Giấy phép khai thác cát sẽ góp phần quan trọng “dẹp” nạn khai thác trái phép đã diễn ra nhiều năm qua. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, huyện Sông Mã sẽ tiếp tục duy trì 2 Đoàn kiểm tra của huyện, tiếp tục vận động nhân dân chấp hành quy định của Luật Khoáng sản; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Sông Mã thường xuyên phát động ra quân tổng vệ sinh tại các tuyến đường thanh niên tự quản. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT
Trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Văn bản hướng dẫn thi hành, những năm qua, huyện Sông Mã đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đã tham mưu Huyện ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; các Kế hoạch hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn…
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức ra quân tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh nơi làm việc, cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Trồng cây xanh dọc quốc lộ, tỉnh lộ, khuôn viên trụ sở làm việc, khuôn viên đất nhà văn hóa bản, tổ dân phố. Chỉ đạo các xã sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và vận động nhân dân đóng góp để thu gom, xử lý rác thải khu trung tâm xã.
Từ năm 2019 tới nay, đã chỉ đạo Phòng TN&MT thẩm định, trình UBND huyện xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường cho 40 công trình, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổ chức kiểm tra với chủ dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký.
Tới hết năm 2019, tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn đạt 37,4%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đô thị đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 100%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Có thể thấy, nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sông Mã từng bước được nâng lên. Việc thu gom rác thải được đẩy mạnh, góp phần hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm. Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bước đầu đã được thu gom, xử lý. Kết quả quan trắc môi trường huyện hàng năm đều cho thấy: Các chỉ tiêu có trong thành phần của môi trường đất, môi trương không khí đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn của Bộ TN&MT.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc quy hoạch bãi rác tại một số xã chưa hợp lý, chưa được đầu tư đúng mức; còn tình trạng một số hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông Mã xả rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trực tiếp ra sông. Một số cơ sở chế biến nông sản, cơ sở chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đã được thực hiện, nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chưa được thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp xã năng lực còn hạn chế, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Kinh phí chi cho công tác bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng một phần cho nhiệm vụ thu gom rác thải.
Trong thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân sống dọc 2 bên bờ sông, suối không xả thải trực tiếp xuống sông, suối. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.
Thực hiện phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tại các xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.