Hướng tới quản lý bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:43, 10/11/2020
Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Bà, an ninh nguồn nước hiện đang đứng trước nhiều thách thức, là vấn đề cấp thiết hiện được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh:
Nước ta có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó 63% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Trên thực tế, do biến đổi khí hậu mùa khô kéo dài 6 - 8 tháng, lượng nước chỉ chiếm 20 - 30% tổng lượng nước cả năm, hạn hán ngày càng xảy ra thường xuyên và kéo dài. Ngoài ra, các hoạt động khai thác nước thượng nguồn gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến tổng lượng tài nguyên nước ở Việt Nam hiện tại và tương lai.
Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước |
Trong bối cảnh hiện nay, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng, mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng trở nên thách thức.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai thực hiện các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước.
Bộ cũng đã triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và thành lập các Tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Cùng với công tác cấp phép, đây là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phù hợp với điều kiện nguồn nước. Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện, cấp nước nông nghiệp với việc đảm bảo lợi ích của các hộ sử dụng nước phía hạ lưu các lưu vực sông, hạ lưu các hồ chứa, đặc biệt quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân phía hạ du.
Các ngành khai thác sử dụng nước cũng cần phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ, hiện đại nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ các nguồn nước.
PV: Theo Bà cần có kế hoạch phân bổ nguồn nước mặt và nước ngầm như thế nào để nguồn nước được sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh:
Việc phân bổ tài nguyên nước sẽ được xem xét tổng thể trong các quy hoạch tài nguyên nước đang được triển khai thực hiện, trong đó, nguồn cấp nước cho sinh hoạt sẽ được ưu tiên, đồng thời, phải đảm bảo nước cho môi trường sinh thái và hài hòa lợi ích cho các ngành kinh tế có khai thác sử dụng nước bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy… Các kịch bản phân bổ tài nguyên nước trong trường hợp cực đoan, thiếu nước cũng sẽ được xem xét.
Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước |
Đồng thời, các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương cũng cần thiết phải rà soát, đảm bảo quy hoạch phải gắn với khả năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, không vượt quá ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước; đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân.
PV: Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đảm bảo an ninh nguồn nước là gì, thưa Bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh:
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tới đây, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước 2012 và các văn bản đã được ban hành. Trong đó, cần lưu ý, đảm bảo an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; Rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa.
Phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn. Lượng nước trong 3 - 5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm.
Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Đồng thời tổng kiểm kê tài nguyên nước và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước.
Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam theo các kênh hợp tác đa phương, song phương. Trước mắt và lâu dài phải bảo đảm an ninh nguồn nước ở mức cao nhất, nhất là nguồn nước cấp cho sinh hoạt, giảm được tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế; tăng cường năng lực dự bảo, cảnh bảo sớm các hình thế thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!