Trang bị thiết bị cảnh báo sớm để ứng phó thiên tai

Thời sự - Ngày đăng : 23:12, 05/11/2020

(TN&MT) - Khu vực Bắc miền Trung trong 1 tháng đã xảy ra 15 vụ sạt lở, gây chết nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề ứng phó thiên tai và biến đổi trong tình hình mới, trong đó, đề xuất trang bị những thiết bị về quan trắc để cảnh báo sớm.

Sớm thông qua chương trình ổn định dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngày 5/11, Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) cho biết, bão lũ năm nào cũng xảy ra và uy hiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó, có Quảng Bình. Tuy vậy, đợt thiên tai năm nay, đã khác so với các năm trước đó. Năm nay mưa đặc biệt lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng, vì vậy, mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử, tạo nên mức thủy triều lớn hơn trước đây và nước rút rất chậm. Đây là yếu tố gây bất ngờ, vượt ngoài dự báo và gây hậu quả lớn.

“Năm nay, mưa lũ gây ra nhiều điểm sạt lở sâu hơn các năm trước, gây hậu quả khôn lường, phá hủy nhiều công trình nhà ở và làm nhiều người chết và mất tích”, đại biểu đánh giá.

Đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình). Ảnh: QH

Không chỉ đợt mưa lũ vừa qua mà nhiều năm trở lại đây, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành trạng thái mới về khí hậu trên toàn cầu. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho hay, thiệt hại do mưa đá, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn diễn ra từ đầu năm ở các tỉnh khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ nửa đầu năm và cơn bão số 8, số 9 tại các tỉnh miền Trung vừa qua gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân và kinh tế của đất nước.

Theo đại biểu Thành, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp toàn xã hội dốc lòng, dốc sức người, sức của tài lực, vật lực để cứu trợ, giúp đỡ kịp thời giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trong tình hình mới, nhiều đại biểu Quốc hội đã có đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành những kế hoạch, chính sách mang tính cụ thể, đồng bộ hơn trên quan điểm làm tốt công tác phòng ngừa. Trong đó, gấp rút cụ thể hóa luật và đưa các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất và dân dụng. Quy định phù hợp với đặc điểm xu thế biến đổi từng vùng, từng địa phương.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: QH

Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho người dân ở các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, triều cường, vùng thoát lũ, vùng xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện.

“Sớm nghiên cứu thông qua chương trình tổng thể về ổn định dân cư, sắp xếp, di dời, bố trí dân cư các vùng, các điểm nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nhất là đối với các vùng núi”, đại biểu Thành đề xuất.

Có tỉnh là tâm điểm vùng bão, lũ nhưng không lập Quỹ Phòng chống thiên tai

Đề cập vấn đề huy động và sử dụng có hiệu quả Quỹ Phòng, chống thiên tai đã được luật định, đại biểu Thành chỉ rõ, theo thông tin báo cáo, nguồn quỹ này vận hành và hoạt động chưa tốt sau 6 năm thực hiện. Mới có 60 tỉnh lập quỹ với tổng thu là 3.500 tỷ, chỉ chi 1.808 tỷ, còn dư 1.692 tỷ, là con số rất lớn so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Trong khi đó, trình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương thì không chi đồng nào cho nội dung này. “Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai, bão lũ nhưng không lập quỹ”, đại biểu Thành nêu.

Theo Đại biểu, Quốc hội đã thông qua chủ trương về huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vướng mắc ở đâu, ở hành lang pháp lý, những quy định về quy trình, thủ tục, cơ chế quản lý thực hiện quá phức tạp hay thiếu sự quan tâm của địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện? Điều này đặt ra câu hỏi về công tác quản lý Nhà nước, liệu các Bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc đối với công tác này hay chưa?

“Do vậy, cần nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện tốt nội dung chính sách này, gắn với việc xây dựng và thực hiện các chương trình cụ thể nhằm phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai”, ông Thành kiến nghị.

Đồng tình và ủng hộ các giải pháp phòng, chống bão lũ mà Chính phủ đã đề ra và các hiến kế của đại biểu Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) lại đặc biệt quan tâm vấn đề cảnh báo thiên tai. Đại biểu cho rằng, cần phải trang bị những thiết bị về quan trắc để cảnh báo sớm.

Đồng thời, chú trọng rà soát quy hoạch bảo đảm cho các khu dân cư vùng có nguy cơ sạt lở cao cũng như vùng trũng. “Rừng núi bị cạo trọc hoặc là tỉa mỏng, sườn núi bị cắt, chân núi bị chặt, nên hậu quả khôn lường”, đại biểu Vân nói.

Nhất trí với ý kiến về các giải pháp phòng chống thiên tai của các đại biểu Quốc hội; Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, giải pháp về di dân vùng đồng bào sống ven sườn núi đến nơi an toàn, hỗ trợ cây, con giống để đồng bào an cư, sớm ổn định cuộc sống.

Tuyết Chinh