Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 23:08, 05/11/2020
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp):
|
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, không phải tất cả dự án đều phải thực hiện ĐTM. Đây là tín hiệu tích cực. Bởi lẽ, có những dự án xây trường học, nếu buộc phải thực hiện ĐTM là không phù hợp.
Tôi đồng tình với Phương án 1 trong Tờ trình Chính phủ có điều chỉnh dự án đầu tư chia thành 4 nhóm, các dự án phải có đánh giá môi trường và phải có Giấy phép môi trường, đây là những dự án cự kỳ quan trọng có liên quan đến môi trường và cũng như có tác động xấu đến môi trường thì những dự án này phải có đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, cần tính đến việc giảm giấy phép con cho doanh nghiệp. Chúng ta đánh giá sơ bộ về môi trường tùy từng dự án. Ví dụ như dự án nhóm 1 có nguy cơ về môi trường thì thực hiện ĐTM, nếu không có nguy cơ về môi trường thì không đánh giá tác động để làm sao giảm được giấy phép con cho các doanh nghiệp, đồng nghĩa giảm cả thời gian và tiền bạc. Doanh nghiệp cũng phải bảo đảm những dự án không phải thực hiện ĐTM và Giấy phép bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu sau này gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra xử lý và rút giấy phép hoạt động của dự án đó.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang):
|
Đồng tình việc quy định kiểm toán môi trường trong luật này. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cũng đồng tình cao với việc bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và pháp luật có liên quan và cũng là hết sức cần thiết.
Nội dung kiểm toán môi trường trong Khoản 2 Điều 52 đã quy định. Tôi đồng tình là việc kiểm toán tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phải quy định về vấn đề này. Vì hầu hết các cuộc kiểm toán, bất kể là cuộc kiểm toán về tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động thì đều phải xem xét đến việc tuân thủ pháp luật… Với nguyên tắc bảo vệ môi trường ở trong Điều 4 của Dự thảo Luật với 8 nguyên tắc và cùng với việc ưu tiên hợp lý việc dự báo phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường cộng với nâng cao giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ môi trường và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm. Tôi cho rằng, những quy định của luật sẽ được thực hiện trong cuộc sống. Do vậy, để hoạt động kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán trong lĩnh vực môi trường của Kiểm toán Nhà nước thật sự phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường, tôi đề nghị chuyển Điều 52 về kiểm toán môi trường sau điều về thanh tra, kiểm tra về hoạt động môi trường. Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế):
|
Về thẩm quyền và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định tại Điều 36b. Tôi xin thống nhất với Phương án 2. Đó là đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì thẩm định, phối hợp với Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Việc quy định như phương án này đảm bảo sự phân cấp, phân quyền, đồng thời tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương.
Về Giấy phép môi trường, tôi thống nhất với quan điểm chỉ dùng một loại Giấy phép môi trường, trong đó, bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải. Ví dụ như chúng ta khi xả thải thì chúng ta xả nước thải ở chuẩn b trở lên là chuẩn, có thể tưới cây và trả lại môi trường. Phương án tích hợp các loại Giấy phép môi trường vào chung một sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp rút gọn các thủ tục hành chính, đồng thời, giảm bớt thời gian, chi phí để đảm bảo công tác sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là việc xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi theo phương án được Chính phủ trình sẽ không bỏ quy định này mà tích hợp nội dung xả nước thải vào các công trình thủy lợi vào trong giấy phép môi trường. Vì vậy, thực chất đây việc rút gọn các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các đơn vị có nhu cầu xả nước thải vào các công trình thủy lợi.