Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách: Đưa ra định hướng phát triển phù hợp

Trong nước - Ngày đăng : 10:27, 05/11/2020

(TN&MT) - Trong hai ngày 3 - 4/11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các vị Đại biểu Quốc hội - Ảnh: Chinhphu.vn 

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020, các đại biểu cho rằng, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, thiên tai liên tục xảy ra như: Hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ xảy ra tại miền Trung trong thời gian gần đây… Tuy vậy, nước ta cơ bản vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tăng trưởng đạt trên 2%, vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Toàn cảnh Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Các đại biểu cũng cho rằng, Báo cáo được xây dựng trong giai đoạn 9 tháng đầu năm mà lúc này chưa xuất hiện các nhân tố ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế, cụ thể là tình hình mưa lũ ở miền Trung, nước biển dâng gây ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, chưa kể đến thiệt hại về người và kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp là khá lớn là chưa đầy đủ.

Tập trung cho ý kiến về những vấn đề về cơ cấu nền kinh tế; thu, chi ngân hàng Nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng; vấn đề chậm tiến độ các Dự án giao thông đường sắt đô thị; phát triển hệ thống giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long; về sản xuất nông nghiệp; về chính sách bảo vệ và phát triển rừng; về quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI; về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; về đổi mới sách giáo khoa; y tế dự phòng, khám chữa bệnh trực tuyến; tín dụng đen.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận về tình hình an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập, phát triển điện lực, trong đó, cần tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, thủy điện, thủy lợi và các dự án thủy điện vừa và nhỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi; gắn vấn đề an ninh nguồn nước với phòng, chống thiên tai, an ninh năng lượng…

Đối với việc khắc phục bão lũ, sạt lở ở miền Trung, các đại biểu cho rằng, ngoài việc bổ sung ngân sách, tập trung khắc phục hậu quả, cần phân tích, đánh giá về nguyên nhân, có chiến lược, giải pháp tổng thể căn cơ, lâu dài trong quy hoạch lại dân cư, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo để phòng tránh thiên tai, bão lũ, chống sạt lở.

Khương Trung