Đại biểu Quốc hội trăn trở về an ninh nguồn nước và an toàn thủy điện
Trong nước - Ngày đăng : 13:00, 04/11/2020
* ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk): Vấn đề trồng rừng tái sinh hết sức cấp bách
Qua thực tiễn, thiên tai, bão lụt miền Trung hiện nay tôi thấy, vấn đề an ninh nguồn nước phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, lụt bão và vấn đề an ninh năng lượng. Đó là vấn đề rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng.
Có thể nói, rừng nguyên sinh của chúng ta đang bị suy giảm khá nhiều. Vì vậy vấn đề trồng rừng tái sinh hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục cho xây dựng chương trình trồng rừng tương tự như Chương trình trồng rừng 327 trước đây.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk). Ảnh: Quốc Khánh |
Trong Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này vì lợi ích trước mắt và lâu dài cho thế hệ tương lai.
Thực tế, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là "lợi bất cập hại", sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp
Đồng thời, đề nghị Quốc hội và Chính phủ rà soát tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thuỷ điện để có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững. Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.
Tôi cũng đề xuất Quốc hội có chuyên đề giám sát trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thuỷ điện trong những năm qua.
* ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị): Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng làm mất rừng, tạo thành lũ dữ
Nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua, khi miền Trung phải oằn mình liên tiếp chịu đựng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên với hậu quả vô cùng lớn, cả trước mắt và lâu dài. Do đó, chúng ta cần định vị cách tiếp cận mới về Chiến lược phát triển và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia tại khu vực và cả nước trong bối cảnh mới này.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: Quốc Khánh |
Lý giải những bất thường về lũ bão vừa qua, đã có lát cắt về nguyên nhân thiên tai rằng do biến đổi khí hậu, hậu quả về hình thái phức tạp, nắng hạn quá lâu ngày, đất bị nung khô, gặp mưa lớn kéo dài, lượng mưa kỷ lục, độ ẩm đất dốc tăng nhanh, sức kháng của khối đất giảm đi, nên đồi, núi sạt lở, ngập úng lớn kéo dài. Nhưng chắc chắn có thể nhận ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên. Tấm lá chắn chắc chắn an toàn của Mẹ thiên nhiên, thiên tai ngày càng dữ dội. Câu chuyện hủy hoại về rừng không còn là chuyện mới. Song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này.
Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng hẹp đi.
Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. Mất rừng mất đất, khả năng thấp điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.
Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo cơ hội cho lũ tàn phá nặng nề hơn. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ kiên quyết chỉ đạo rà soát, đánh giá về phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua.
Quốc hội cần tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và ảnh hướng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, môi trường và đời sống người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai, các cơ quan quản lý giúp địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, di dời dần khu vực sạt lở.
* ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Hô hào trồng rừng mới nhưng vẫn cho các đại dự án khởi công ngay trong lõi
Các con số trên thực tế cho thấy, rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lũ sạt lở để lại hậu quả nặng nề năm này qua năm khác. Chúng ta hô hào trồng rừng mới nhưng vẫn cho các đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, thủy điện “cóc” tiếp tục duy trì hoạt động, thậm chí, được cấp giấy phép xây mới. Nếu mọi chuyện xảy ra như trận lụt lịch sử còn có hậu quả tang thương nữa. Chúng ta phải thay đổi cách làm, nhận ra sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy không dễ.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Ảnh: Quốc Khánh |
Philippines là quốc gia chịu nhiều bão nhất khu vực Đông Nam Á và chúng ta đã học rất nhiều từ bạn. Họ giữ rừng già, giữ những ngọn núi cao vì biết đây là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận giữ của thiên nhiên. Rừng già ở Philipphine khiến bão số 10 được giảm cấp là ví dụ rõ ràng.
Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra như một quy luật của thiên nhiên. Vì vậy, chúng ta phải có chiến lược lâu dài để khắc phục hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược này phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, với sự góp ý của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thỏa thuận với các nước ở thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, đến những việc cấp thiết hiện nay như: xây dựng bản đồ sạt lở, xây nhà chống lũ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn… Có như vậy người dân, ở đây chủ yếu là người nghèo, yếu thế, các lực lượng chức năng quân đội, công an mới không phải chịu tổn thất vô cùng đau xót như vừa qua.
* ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang): Cần ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập
Hiện nay, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn, nhỏ, với tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó, có 2 con sông lớn là sông Cửu Long, 90% nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; sông Hồng 50%. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Chúng ta gặp khó khăn trong chủ động quản lý, khai thác nguồn nước, chưa kể ứng xử của một số nước quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.
Thực tế hiện nay, quản lý, sử dụng một cách tổng thể về nguồn nước chưa đảm bảo phát triển bền vững. Giải quyết các vấn đề về tích trữ nước còn hạn chế, sử dụng khai thác nước chưa tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như giải quyết mối quan hệ quốc tế với quốc gia thượng nguồn tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn còn hạn chế và phức tạp. Đây là những khó khăn, thách thức trong bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập nước ta.
ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang). Ảnh: Quốc Khánh |
Sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của nước ta có lịch sử rất lâu đời với 86.202 công trình thủy lợi, trong đó, có 6.998 đập hồ chứa nước thủy lợi với dung tích khoảng 14 tỷ m3 nước để tưới tiêu trong 4,2 triệu hecta đất nông nghiệp và khoảng 6 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Nhưng con số này mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các con sông ngòi.
Tính tổng chung cả hồ đập thủy điện và thủy lợi cả nước có khoảng 7.800 hồ đập lớn, nhỏ, với dung tích 74 tỷ khối nước. Mặc dù, đã phát huy tốt vai trò, vị trí trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng, chống lũ, tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, tuy nhiên, do biến đổi khí hậu hiện nay lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy, sạt lở đất dẫn tới các vùng miền phải chịu từ thảm họa thiên tai đã làm thiệt hại về người và tài sản rất lớn, khó khăn chồng chất khó khăn.
Đặc biệt, 1.700 hồ đập thủy lợi xuống cấp, trong đó, có 1.200 hồ đập cần phải sửa chữa và 200 hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp, do vậy, nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nước ta rất là lớn.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống của người dân, tôi đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập chứa nước. Đồng thời, hàng năm Chính phủ có sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan đến các Luật như Luật Tài nguyên, Thủy lợi, Đê điều, Bảo vệ môi trường, Đất đai… vì đây là hành lang pháp lý để tổ chức, cá nhân vận hành, địa phương triển khai thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” - sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ và điều hành, phân phối tại chỗ.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên nền tảng kỹ thuật số trong vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy hoạch hồ chứa nước. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công tư, phân kỳ đầu tư có trật tự ưu tiên cấp bách làm trước, lâu dài; có đột phá xử lý vấn đề khó khăn.
Ngoài ra, tăng cường quan hệ quốc tế với tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực ký kết hiệp định bảo vệ các lưu vực sông, coi nước ngọt là một loại hàng hoá đặc biệt, hạn chế ở mức cao sự tác động của con người vào môi trường nước và tự nhiên, nhất là lưu vực sông Mê Công, sông Hồng. Cần tiếp tục giữ gìn nguồn sinh thủy, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước.
* ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): Vận hành công trình an toàn, hạn chế thảm hoạ liên quan đến nước
Công trình thủy lợi, công trình thủy điện là tài nguyên phức tạp nhằm tăng cường độ an toàn vận hành trong phòng, chống lũ cho hạ du, hạn chế các thảm họa liên quan đến nước, tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh năng lượng tưới tiêu và dân sinh trong vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi, đáp ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Do vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan và chủ đập phải xây dựng hoàn chỉnh bản đồ vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội |
Hiện nay, hàng ngàn công trình hồ đập đã được đầu tư cố định trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đã rõ, nhưng biến đổi khí hậu tác động cụ thể như thế nào đến từng hồ đập thì chưa rõ. Do vậy, việc một số hồ chứa vận hành theo đúng quy trình nhưng vẫn xảy ra rủi ro hoặc trong tương lai sẽ xảy ra rủi ro do mực nước hồ vượt quá cao trình đập hay tường tránh sóng thì rủi ro mất ổn định về trượt và lực của đập bê tông hay mất ổn định mái của đập, loại đập xây dựng bằng vật liệu địa phương thì rủi ro vỡ đập là rất cao.
Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn hồ đập, đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn và nâng cao tuổi thọ các công trình. Xây dựng quy trình vận hành tối ưu, đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 tới đây.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi một cách an toàn, hiệu quả, nhất là thời điểm mưa lũ hoặc hạn hán. Các cơ quan chức năng ban hành cơ chế mang tính thị trường điều chỉnh để thực hành tiết kiệm và tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng nước, sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân. Việc thu hút đầu tư FDI phải có sự chọn lọc, ưu tiên các công nghệ, thiết bị, sản phẩm tiết kiệm điện, nước, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Mặt khác, các cơ quan chức năng các địa phương tăng cường giám sát việc phục hồi và trồng rừng kịp thời của chủ đầu tư thủy điện, thủy lợi, bảo tồn, cải thiện môi trường, bảo đảm loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, bảo đảm mật độ, bảo đảm được sự đa dạng sinh học, thảm thực vật và môi trường tương đương rừng tự nhiên.