Đối thoại quốc tế hướng tới giải quyết thách thức về nhựa đại dương

Môi trường - Ngày đăng : 18:42, 03/11/2020

(TN&MT) - Ngày 3/11, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Đối thoại trực tuyến “Rác thải nhựa đại dương tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Khủng hoảng và cơ hội”.

Tham dự có bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới; ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); đại diện Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Bộ Môi trường Campuchia cùng đại diện khu vực tư nhân. Tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham dự buổi đối thoại.

Ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) phát biểu tại buổi đối thoại

Nỗ lực của các thành viên ASEAN

Chia sẻ về động lực và quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức về nhựa biển, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết: Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Cụ thể, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Tháng 6/2019, Thủ tướng phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa” và đến nay đã lan toả đến nhiều cộng đồng dân cư trong toàn quốc, đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven biển, mang lại những kết quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam.

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”, trong đó có nhiều nhiệm vụ, dự án cụ thể phân cho các cấp, các ngành. Mục tiêu chung nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Các diễn giả tham gia buổi đối thoại

Gần đây nhất, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Về phía Indonesia, theo đại diện Bộ Hàng hải và Đầu tư, đất nước này hiện đang triển khai chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp xử lý chất thải nhựa, định hướng thị trường tiêu dùng. Indonesia đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân trong xây dựng và mở rộng các dự án biến rác thải thành năng lượng ở các đảo đông dân. Nhiều giải pháp trong sản xuất công nghiệp cũng được thực hiện, trọng tâm là cấm sử dụng nhưa một lần và tăng cường tài chính cho công tác xử lý chất thải nhựa.

Theo ông Say Sam Al, Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia, giảm thiểu chất thải nhựa là một trong những ưu tiên của Chính phủ nước này cùng với quản lý chất thải rắn nói chung Bộ Môi trường đang phân cấp quản lý chất thải nhựa cho địa phương. Để làm tốt vấn đề này, Cam puchia đã đưa ra khung chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và thiết bị cho địa phương, tập huấn quản lý chất thải cho lãnh đạo địa phương.

Nhấn mạnh cần thúc đẩy chủ đề này ra khu vực thông qua ASEAN, Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết: “Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai của Việt Nam và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Bangkok trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN. Trong đó chú trọng đến tập hợp, chia sẻ các mô hình quản lý, sáng kiến công nghệ và các giải pháp tiên tiến của các quốc gia trên cơ sở huy động nguồn lực tài chính bền vững để thực thi một cách hiệu quả thông qua các diễn đàn chung và các công cụ truyền thông khác”.

Hợp tác các bên để giải quyết thách thức

Chia sẻ tại diễn đàn, các diễn giả đã chỉ ra những thách thức, khó khăn trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhấn mạnh cần phải chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. WB đã làm việc với nhiều quốc gia để chia sẻ kiến thức, hỗ trợ tài chính, tư vấn chính sách về vấn đề này, đồng thời, tìm kiếm các nguồn rò rỉ rác thải nhựa và đưa ra giải pháp ngăn chặn. Việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn cũng sẽ góp phần đánh giá chuỗi giá trị của nhựa để phát triển thị trường tái chế.

Các quốc gia cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý với những quy định, chính sách phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là hạn chế sử dụng nhựa và khuyến khích tái sử dụng, tái chế. Cần có sự phối hợp của cả Nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân, tạo nền tảng để khu vực tư nhân phát huy thế mạnh. WB có thể kết nối quan hệ đối tác các bên, cùng chính phủ các nước chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này – bà Kwakwa cho biết.

Đại diện các đơn vị tham dự buổi đối thoại tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch IFC, các công ty tư nhân luôn mong muốn một môi trường đầu tư ổn định, pháp lý minh bạch, nhất quán. Họ sẽ tạo ra những đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả xử lý rác thải nhựa. Các giải pháp có thể triển khai phân kỳ, thí điểm để cho thấy lợi ích rồi sau đó triển khai trên quy mô lớn. Quan trọng là chúng ta cần có chính sách chủ động để thúc đẩy tái chế tái sử dụng.

Chia sẻ quan điểm ủng hộ phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, ông Tạ Đình Thi cho biết, việc thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn” được coi là công cụ hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực ven biển Việt Nam. Để thực hiện có hiệu quả phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các hoạt động, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc xử lý tái chế chất thải... thì cần có sự tăng cường liên kết giữa các Viện, trường, các nhà khoa học và doanh nghiệp để sớm tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tái chế xử lý chất thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Khánh Ly