Rác thải nhựa ở Địa Trung Hải sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040
Môi trường - Ngày đăng : 18:03, 30/10/2020
Mới đây, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã công bố báo cáo ước tính hơn 1 triệu tấn rác thải thựa đã tích tụ tại Địa Trung Hải và trung bình hàng năm khoảng gần 230.000 tấn rác thải nhựa đang xả xuống biển này, một lượng tương đương hơn 500 container.
Báo cáo nhấn mạnh nếu tình trạng không được cải thiện, con số rác thải nhựa hàng năm trên sẽ tăng lên 500.000 tấn vào năm 2040. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn các cam kết hiện nay để giảm dòng rác thải nhựa đổ ra biển.
Trong báo cáo “Vượt qua cạm bẫy nhựa: Cứu biển Địa Trung Hải khỏi ô nhiễm rác thải nhựa,” Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho hay, mức độ tập trung các hạt nhựa siêu nhỏ tại biển Địa Trung Hải cao kỷ lục, gấp 4 lần so với các vùng biển khác trên thế giới. Hạt nhựa siêu nhỏ là những mảnh nhựa nhỏ ly ti có kích thước chưa tới 5 mm và ngày càng xuất hiện nhiều trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người.
Theo IUCN, việc quản lý chất thải kém là nguyên nhân dẫn đến 94% lượng nhựa thải ra biển |
Báo cáo nhấn mạnh nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ việc nhựa được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất và được coi là một phần quan trọng trong cuộc sống con người, trong khi nhiều nước không chú trọng quá trình xử lý và tái chế rác thải nhựa. Hiện ở châu Âu chỉ khoảng 25% số rác thải nhựa được xử lý.
Báo cáo của WWF dẫn chứng 95% rác thải nổi trên biển Địa Trung Hải và các bờ biển tại khu vực này chủ yếu bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, tiếp đó là Italy, Ai Cập và Pháp. Để ngăn chặn tình trạng này, WWF cho rằng cần có một thỏa thuận quốc tế nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, tất cả các nước xung quanh Địa Trung Hải cần đẩy mạnh việc xử lý tái chế loại rác thải này, đưa ra các biện pháp hạn chế việc sử dụng nhựa như túi, chai nhựa và các hạt nhựa trong bột giặt hay đồ mỹ phẩm.