Doanh nghiệp bất động sản tìm kênh dẫn vốn mới

Bất động sản - Ngày đăng : 10:16, 29/10/2020

(TN&MT) - Trong bối cảnh nguồn vốn vay ngân hàng cho bất động sản đang bị siết chặt. Kênh dẫn vốn từ thị trường trái phiếu được dự báo sẽ sôi động và tiềm năng trong năm 2021.

Phát triển mạnh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển mạnh khi Chính phủ ban hành Nghị định số 163/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự đóng góp lớn của các chủ thể là doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.

Theo Báo cáo tổng hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 9 tháng qua, có 19 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 16,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 40,46% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong kỳ. Riêng tháng 9/2020 có 125 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 28 nghìn tỷ đồng. Kết quả, có 109 đợt phát hành của 27 doanh nghiệp thành công, huy động được 17 nghìn tỷ đồng (tương đương 61%).

Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt 8.087 tỷ đồng. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam phát hành 5.300 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn 4 năm; Tập đoàn Sovico mới đây cũng phát hành 1.550 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Apec cũng đã thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu… Đây là dấu hiệu cho thấy, hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản đang rất sôi động.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc HNX cho biết, năm 2014 - 2019, tổng số tăng trưởng bình quân của trái phiếu doanh nghiệp 38%. Nếu so với mức tăng trưởng tín dụng 14%/năm, việc huy động tiền từ phát hành trái phiếu rất tốt.  Hiện tại, trái phiếu doanh nghiệp đang có mức lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn hạn. Đây được xem là kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản khi hệ thống rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động phát hành trái phiếu. Ảnh: Hoàng Minh

Kênh dẫn vốn chính thị trường

Bước sang năm 2020, việc huy động trái phiếu từ doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục cứu cánh cho những doanh nghiệp bất động sản sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư mới quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên mức 200%.

Việc điều chỉnh hệ số rủi ro xuất phát từ thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả thị trường. Đồng thời, giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, các chủ đầu tư buộc phải tìm kiếm nguồn vốn mới để đảm bảo cơ bản về cấu trúc nguồn vốn như phát hành trái phiếu, hợp tác với đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, trên thực tế việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp trong các dự án bất động sản là nhu cầu rất cấp thiết và chính đáng của các chủ đầu tư. Kênh dẫn vốn này đã hỗ trợ khá nhiều cho chủ đầu tư trong việc đảm bảo nguồn vốn cho dự án. Để làm ổn định hơn thị trường trái phiếu bất động sản bản thân các dự án phải được nghiên cứu đầu tư một cách đầy đủ và hạn chế rủi ro đủ hấp dẫn đối với thị trường thì việc phát hành kênh trái phiếu đều thành công.

“Phát hành trái phiếu là công cụ đang được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Khi phát hành, các doanh nghiệp phải báo cáo tài chính rõ ràng, trung thực các hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, trong thời gian tới, dòng vốn trái phiếu sẽ đổ vào những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tiềm lực tài chính vững vàng, nguồn vốn ổn định.” - Ông Sơn nhấn mạnh.

Một thị trường bất động sản không thể nói là tích cực nếu thiếu những nguồn vốn rẻ, dài hạn. Trong khi nguồn vốn từ ngân hàng thì đang ngày càng bị siết chặt thì việc đi tìm các nguồn vốn, các định chế tài chính khác là rất cần thiết đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

“Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang tồn tại một số bất cập như lãi suất trái phiếu cao hơn mức bình quân, cá biệt có doanh nghiệp đưa ra mức 18 - 20%. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, không thông qua việc kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như cơ quan kiểm soát. Điều này phần nào phản ánh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thật sự ổn định. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát thị trường này.”

Ông Lê Hoàng Châu,

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Thùy Linh