Thủ tướng họp khẩn ứng phó bão số 9

Trong nước - Ngày đăng : 11:10, 26/10/2020

(TN&MT) - Sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Molave của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Bão số 9 - Molave có thể giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 khi vào ven bờ các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên. Đặc biệt, gió mạnh do bão không chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh bão trực tiếp đổ bộ mà có thể trải dọc xuống các tỉnh ven biển phía Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Molave của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng 26/10

Bão số 9 giữ cường độ rất mạnh khi áp sát đất liền

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sáng nay (25/10), bão Molave đã vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Lúc 9 giờ sáng nay (26/10), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi tin bão khẩn cấp ngay khi bão vừa di chuyển vào Biển Đông.

Theo ông Khiêm, thông thường cơ quan khí tượng chỉ phát tin bão khẩn khi bão chuẩn bị vào đất liền. Nhưng bão số 9 đang di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong 36-48 giờ tới nên Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phải phát tin bão khẩn cấp để nâng cấp độ dự báo cho các tỉnh

Phân tích các đặc điểm của bão Molave, chuyên gia khí tượng thuỷ văn cho biết các yếu tố tương tác đến cơn bão này khác hoàn toàn với bão số 8. Bão có nhiều điều kiện thuận lợi để mạnh lên trên Biển Đông và giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 khi vào ven bờ các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên.

Trước đó, bão số 8 dù cũng có cường độ mạnh nhất lên đến cấp 13, giật cấp 15 nhưng phía trước bão là không khí khô và lạnh khiến bão suy yếu nhanh khi di chuyển gần về phía đất liền. Tuy nhiên, khối không khí phía trước bão số 9 đã ẩm và ấm lên, trong khi áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào phía tây nên bão có xu hướng đi thấp xuống phía dưới. Không khí lạnh không đủ điều kiện để hạ thấp của cường độ bão khi vào gần bờ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Hơn nữa, dự báo bão số 9 di chuyển hướng vào vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ - khu vực có đặc điểm khá thoáng, điều kiện địa hình ít chắn gió. Vì vậy, bão đang gặp nhiều điều kiện thuận lợi để giữ cường độ mạnh khi áp sát đất liền.

Dựa trên 52 mô hình tính toán, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 9 di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng trên đất liền rộng.

Mưa kéo dài ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình

Ông Khiêm lưu ý, ngày 27/10, vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Nam - Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão với nguy cơ về dông lốc, gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Trong khi đó, từ đêm 27 đến ngày 28/10, khu vực đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu gió bão. Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Đặc biệt, gió mạnh do bão không chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh bão trực tiếp đổ bộ, mà có thể trải dọc xuống các tỉnh ven biển phía Nam. Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn quay trở lại các tỉnh từ nam Nghệ An đến Phú Yên trong các ngày 27-29/10 với tổng lượng mưa lên đến 200-400 mm.

Ngoài ra, sau khi cơn bão này đi sâu vào đất liền có thể gặp thêm không khí lạnh tăng cường ngày 28/10. Lúc này, hoàn lưu bão được tiếp thêm độ ẩm, gây mưa kéo dài cho khu vực phía nam Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ba nơi này có thể mưa liên tục trong các ngày 27-31/10 với lượng phổ biến 500-700 mm.

Tuyết Chinh