Thanh Hóa: Triển khai ứng phó với bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Môi trường - Ngày đăng : 17:49, 25/10/2020

(TN&MT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 14975/UBND-NN về việc triển khai công tác ứng phó với bão số 8 khi suy yếu trên đất liền thành áp thấp nhiệt đới.

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ứng phó với bão số 8 và mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ và để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa, lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa khẩn trương triển khai thực hiện tốt các công việc sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Các ban, ngành liên quan cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh

Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp, trong các công trình, nhà ở mất an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, tàu hoạt động vãng lai; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và các khu vực cửa sông, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển.

Tổ chức vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các công trình đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.

Rà soát phương án “4 tại chỗ” để chủ động triển khai ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Thông tin Duyên hải Thanh Hóa tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão, mưa, lũ để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Đức Duy