Từ năm 2021, công an nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Trong nước - Ngày đăng : 22:37, 24/10/2020
Chiều 24/10, tại chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo nêu rõ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Quốc Khánh |
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hoà bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc.
“Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của lực lượng Việt Nam. Hiện nay, Liên Hợp Quốc tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát quan sát viên và giám sát bầu cử” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Tuy nhiên, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, hiện nay chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý: Cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như: đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai… Dự kiến thời gian tới, thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của Liên Hợp Quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý, cử cán bộ, sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình từ năm 2021.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là phù hợp và cần thiết. Nghị quyết sẽ xây dựng khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đoàn Ninh Thuận cho rằng, khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua thì có thể được coi là một minh chứng rõ ràng nhất về thực hiện quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ là một quốc gia thành viên tích cực tham gia các hoạt động Liên Hợp Quốc mà còn vai trò là thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mặc dù vậy, cần tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bởi thực tế, lực lượng này phải hoạt động trên các địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngoài những chế độ chính sách các cán bộ chiến sỹ được hưởng, cần có thêm những chế độ chính sách khác.