Việt Nam tham gia "Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon"

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:07, 22/10/2020

(TN&MT) - Để góp phần thực hiện lộ trình cắt giảm các chất bị kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao Thư chấp thuận tham gia “Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon” cho Ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.  Đây là một trong số các văn kiện đã được Chính phủ hai nước ký kết và trao đổi trong khuôn khổ Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao Thư chấp thuận cho Ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide 

Theo thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sáng kiến do Nhật Bản khởi xướng tại hoạt động bên lề Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25). Sáng kiến hoạt động dựa trên sự tham gia tự nguyện của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, không kèm theo các nghĩa vụ và ràng buộc về pháp luật với các bên tham gia. Đến nay đã có hơn 23 quốc gia, tổ chức đã bày tỏ sự quan tâm tham gia Sáng kiến.

Mục tiêu của Sáng kiến nhằm đóng góp vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thông qua việc quản lý các môi chất lạnh, hạn chế rò rỉ các chất Fluorocarbon (FC) ra môi trường. Tham gia Sáng kiến này, Việt Nam sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về các thực hành tốt nhất, cũng như tiếp cận công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường và hỗ trợ nhằm phát triển các dự án tại quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và tạo thêm việc làm chất lượng.

Do nhu cầu về các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh tăng nhanh cùng với việc cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm cả thực phẩm an toàn và sức khỏe, dẫn đến việc sử dụng các chất Fluorocarbon (FC) ngày càng tăng và tạo ra một lượng lớn phát thải khí nhà kính. Song song với việc nghiên cứu, phát triển các chất làm lạnh mới có tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) thấp và thay thế các thiết bị làm mát cũ, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến hoạt động thu gom và xử lý các chất FC sau khi sử dụng. Đây được xem là biện pháp giúp giảm thiểu các chất FC bị xả thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Giải quyết vấn đề phát thải các chất FC bằng phương pháp quản lý vòng đời sẽ góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nguyên tắc của Nghị định thư Montreal: “Số lượng các chất Fluorocarbon bị phá hủy bởi các công nghệ thích hợp có thể được trừ ra khỏi số lượng sản xuất của quốc gia đó”; do vậy sẽ đóng góp vào việc thực hiện lộ trình cắt giảm các chất bị kiểm soát theo Nghị định thư Montreal theo cam kết của quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 150/NQ-CP ngày 10/10/2020 của Chính phủ, trong thời gian tới với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Sáng kiến.

Khánh Ly