Trăn trở của những người địa chất
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:48, 22/10/2020
Nghề gian nan, hiểm nguy
Theo chân Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đến khu vực thi công đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (U, Th) khu vực Tây Bắc” tại bản Pà Chải, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu mới thấy được phần nào những khó khăn, vất vả của người địa chất làm công tác điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm.
Để đến được khu vực đơn vị thi công công trình khoan của đề án, tôi cùng các thành viên trong đoàn (chủ yếu thuộc Đoàn Địa chất 155 của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm), phải vượt qua con đường núi dài chừng gần 4 km với độ dốc rất lớn. Đa số phải đi bộ, còn một số đoạn đi được xe máy thì khiến tôi thót tim sợ hãi. Những chiếc xe máy đã được “nâng cấp” từ những chiếc xe win, xe wave cũ ngoắt ngoéo vượt những cung đường dốc dựng đứng. Đôi chỗ những thành viên trong đoàn còn phải sử dụng lực đẩy từ 2 chân chạm đất để tạo đà cho xe vượt qua dốc. Đối với họ, những cung đường này là quá bình thường, bởi mỗi một lần đi thực địa là 1 lần họ phải ăn ở rừng nằm vách đá nhưng với người ngoại đạo như tôi thì quá sợ hãi.
Rồi đến ngày mưa, đường trơn lầy lội, sương mù dày đặc, có xe máy cũng đành dắt bộ, toàn bộ sức lực dồn hết để đẩy máy móc cùng xe. Đến điểm mốc thì sức lực của tôi cũng cạn kiệt. Trong khi đó trời đã nhá nhem tối, nhìn xung quanh không có lấy một ngôi nhà, tôi không biết được tối nay mình sẽ ở đâu hay sẽ phải quay trở lại chặng đường vừa đi qua.
Dường như thấu hiểu được nỗi sợ hãi của tôi, ông Nguyễn Văn Nguyên (Đoàn Địa chất 155) vui vẻ: Không lo chết đói đâu cô nhà báo, trong ba lô chúng tôi luôn có cơm nắm, muối vừng hoặc lương khô, nước và bạt che. Có những lần mưa to quá chúng tôi đi được nửa đường còn phải quay về và đi trong cảm tính vì không còn nhìn thấy đường nữa. Khó khăn là vậy nhưng những ai đã gắn bó với nghề này đều yêu quý và gắn bó lâu dài.
Để đến được khu vực thi công đề án của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm tại bản Pà Chải, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đoàn kiểm tra phải vượt qua đường núi dài gần 4 km |
“Đường đi khó khăn, địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết không thuận lợi… Đó là những thách thức chung của các nhà địa chất. Riêng đối với những người làm công tác điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm như chúng tôi, cuộc sống gắn bó với núi rừng là chính, một năm có 12 tháng thì cứ khoảng 7 tháng đi thực địa. Thường xuyên sống xa nhà nên cuộc sống gia đình nhiều khi không tránh khỏi những rắc rối và gia đình có công việc thực sự quan trọng, chúng tôi mới sắp xếp công việc để về. Tuy nhiên, điều đáng ngại là việc tiếp xúc với nguồn tài nguyên phóng xạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người địa chất. Bên cạnh đó, bộ thiết bị khoan có trọng lượng rất nặng và cồng kềnh, vì thế mỗi khi vận chuyển máy từ khu vực khoan này sang khu vực khác, cả tổ khoan gồm hơn 10 người đều phải gắng hết sức và thời gian vận chuyển có khi kéo dài hàng chục ngày do trời mưa, đường trơn trượt. Có lẽ vì thế, mà nhiều người chỉ hơn 30 tuổi đã có triệu chứng thoái hóa cột sống hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe” - ông Phạm Văn Tư thuộc tổ khoan (Đoàn Địa chất 155, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm) tâm sự.
Tuy nhiên, ông Mai Trọng Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề khẳng định, những năm trước đây, để đến được những điểm mỏ như thế này phải mất nhiều ngày trèo đèo lội suối băng rừng và luôn phải đối đầu với những tai biến địa chất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở và cả sốt rét. Nhiều nhà địa chất đã chịu cảnh ốm đau bệnh tât, thậm chí đã phải hi sinh nhưng họ luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ để đến ngày hôm nay đưa ra được những con số khẳng định tiềm năng đất hiếm Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 thế giới.
Nỗi lo về nguồn nhân lực kế cận
Những khó khăn về địa lý không làm nản lòng những người làm địa chất nhưng điều ông Mai Trọng Tú lo lắng băn khoăn là nguồn nhân lực của ngành địa chất nói chung và lĩnh vực địa chất xạ - hiếm nói riêng đang ngày càng giảm mạnh, gây lo ngại cho ngành về thế hệ địa chất tương lai.
Theo ông Đoàn Thế Hùng – Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), gần 10 năm trở lại đây, nguồn nhân lực làm công tác điều tra địa chất và khoáng sản có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân là do chủ trương sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế nhằm mục tiêu hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước cũng như hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản còn ít, chưa tương xứng với khối lượng công việc cần phải làm theo quy hoạch chiến lược khoáng sản của Chính phủ. Do đó, nhu cầu việc làm và thu hút được nhân lực có chất lượng cao làm công tác này hầu như không có.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng với lòng say nghề, các cán bộ địa chất luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao |
Hiện nay ngành địa chất đang thiếu nhân lực có chất lượng cao, hẫng hụt về thế hệ đang là một yếu tố quan trọng. Các cán bộ có kinh nghiệm, trình độ cao, được đào tạo rất bài bản ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã và đang đến tuổi nghỉ hưu, trong khi đó, các cán bộ trẻ có trình độ được đào tạo trong nước và nước ngoài chưa nhiều. Trong một tương lai gần, việc thiếu hụt các cán bộ khoa học chủ chốt ở các chuyên ngành khác nhau là hiện hữu.
Trả lời câu hỏi của tôi về việc chế độ chính sách có ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ngành địa chất hay không, ông Đoàn Thế Hùng khẳng định: Từ năm 1993 trở lại đây, cán bộ, công chức, viên chức ngành địa chất không còn được hưởng chế độ ưu đãi, đặc thù theo nghề mặc dù trước đây đã được hưởng. Thực trạng về chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, phụ cấp là nguyên nhân cơ bản không thu hút được lực lượng lao động chất lượng cao, không tạo động lực và xu thế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có; đồng thời, với một số mức phụ cấp hiện hưởng, cán bộ viên chức, lao động làm công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản sẽ thiệt thòi hơn so với các loại lao động khác, do đặc thù công việc: điều kiện lao động, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tính chất phức tạp của công việc đòi hỏi thời gian đào tạo dài, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao; yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.
Trước những vấn đề thực tế trên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, để duy trì, phát triển đội ngũ các nhà khoa học có tính đặc thù về nghề nghiệp trong quá trình hành nghề như nghề địa chất, cần thiết phải có chủ trương, chính sách đồng bộ để các nghề nghiệp này có sức cạnh tranh trên thị trường lao động, thu hút được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao học nghề, làm nghề, yêu nghề và thành đạt trong nghề nghiệp của mình.