Thừa Thiên Huế: Xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở ven biển

Môi trường - Ngày đăng : 12:31, 20/10/2020

(TN&MT) - Bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục bị sạt lở nặng nề do mưa bão thời gian qua. Cơ quan chức năng đang xử lý khẩn cấp...

Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài cùng với triều cường đã làm cho bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10km, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải hơn 3,5 km; xã Phú Thuận hơn 2,5 km; xã Phú Diên hơn 2 km; xã Phú Hải khoảng 1,5 km; xã Hải Dương khoảng 1 km.

Trong đó, công trình kè thôn An Dương, xã Phú Thuận bị xói chân khóa đầu kè; bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc bị nước xói lở sâu vào 50m dài 1 km tràn qua uy hiếp đường tỉnh lộ 21.

Bờ biển xã Giang Hải bị nước xói lở sâu vào 50m dài 1 km tràn qua uy hiếp đường tỉnh lộ 21

Liên tục trong nhiều ngày qua, chính quyền xã Phú Thuận phối hợp lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội 2 Biên phòng và người dân trên địa bàn, với hàng nghìn lượt người đã tăng cường thời gian, nguồn lực, gia cố đê bao, đắp bao cát tại các vị trí xâm thực với tổng chiều dài khoảng 500 mét với hơn 10.000 bao cát, khắc phục nhanh nhất, giảm thiểu hậu quả, ổn định cuộc sống.

Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, nhiều km đoạn đê biển bị sóng dữ đánh hư hại, khả năng xâm thực tràn bờ rất cao nếu không được gia cố kịp thời. Có tổng cộng hơn 3.500 người gồm quân đội, bộ đội biên phòng, người dân, cán bộ xã, huyện, tỉnh cùng làm.

Được sự giúp sức của quân đội, chính quyền xã Phú Thuận đã huy động thêm sức người từ nhiều hộ dân ở xã, và cán bộ xã khẩn cùng làm khi chỉ vài ngày nữa  áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp miền Trung. Nhiều đất, cát, đá, bao cát nặng… được lực lượng đưa tới các đoạn đê biển đang bị sóng biển tàn phá.

Đắp bao cát tại các vị trí xâm thực

Kiểm tra bờ biển xã Phú Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, hiện nay kè chính đã được đầu tư, thực hiện 750 mét, đã vận hành, phát huy hiệu quả rất tốt qua các đợt mưa gió, sóng lớn vừa rồi. Tuy nhiên hai đầu khóa vẫn bị sóng lớn phá hoại. Nếu không xử lý bằng công trình cứng, thì toàn bộ vùng phía trong gần như không ở được, bởi nguy cơ phá sập bờ cát lớn tạo ra mặt bằng mới, thông vào phá. Lúc đó, toàn bộ vùng dân cư ở đây không thể tồn tại. Giải pháp lâu dài là phải đầu tư thêm 2-3 km (kè chính, kiên cố), mới ổn định bền vững trong việc chống sạt lở, xâm thực trên địa bàn.

“Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tập trung lực lượng, xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở, xâm thực, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở. Kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ”- ông Phương nhấn mạnh.

Văn Dinh