Thanh Hóa: Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 17/10/2020

(TN&MT) - Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, Đồ án Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân được phê duyệt tại Quyết định số 1136/QĐ-BGTVT ngày 12/6/2020 của Bộ GTVT, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung; cũng như mục tiêu phát triển của ngành hàng không cả nước.

Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân có chức năng dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Cảng khai thác là loại tàu bay code E hoặc tương đương, tổng số vị trí đỗ tàu bay 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Cấp cứu nguy, cứu hỏa cấp 9. Sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1) kích thước 3.200m x 50m. Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, kích thước 3.800m x 45m, song song và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 360m về phía Đông Bắc. Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m, bảo đảm khai thác các loại tàu bay code E. Mở rộng sân đỗ tàu bay hiện hữu từ 3 vị trí code C lên 16 vị trí code C (có khả năng tiếp nhận tàu bay code E) đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.

Cụ thể quy hoạch, sử dụng Đài kiểm soát không lưu hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 10.000 m². Đài dẫn đường VOR/DME: Sử dụng Đài dẫn đường VOR/DME hiện hữu cách đầu 31 đường cất hạ cánh 1.550m. Hệ thống thiết bị hạ cánh (ILS): Sử dụng hệ thống ILS hiện hữu cho đường cất hạ cánh số 1. Đầu tư mới hệ thống ILS cho đường cất hạ cánh số 2.

Mặt bằng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân tầm nhìn đến năm 2050

Đối với khu vực phục vụ mặt đất: Cải tạo, mở rộng nhà ga hành khác hiện hữu T1 và xây mới nhà ga hành khách T2. Tổng công suất thiết kế nhà ga hành khách đạt 5 triệu hành khách/năm. Mở rộng sân đỗ ô tô đồng bộ với việc mở rộng, xây dựng nhà ga hành khách, diện tích sân đỗ sau khi mở rộng khoảng 33.000 m². Sử dụng nhà điều hành hiện hữu và nghiên cứu, cải tạo, mở rộng trên khu đất hiện hữu có diện tích khoảng 10.500 m², …

Đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải. Khu hàng không dân dụng thoát nước vào hệ thống Kanivo, cống thoát nước, rồi đổ ra sông Nhà Lê. Khu bay thoát nước vào hệ thống kanivo, mương hở, cống thoát nước chung của khu bay, rồi đổ ra sông Nhà Lê. Nước thải được thu gom vào hệ thống ống dẫn về Trạm xử lý nước thải và được xử lý trước khi thoát vào hệ thống thoát nước mưa toàn Cảng. Trạm xử lý nước thải được quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.000 m². Trạm thu gom chất thải rắn: Quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.000 m². Tổng nhu cầu là 844,86 ha, trong đó Diện tích đất dùng chung: 181,30 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng: 246,76 ha, diện tích đất khu quân sự: 416,80 ha.

Nội dung quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nghiên cứu và xây dựng đồng bộ các công trình khu hàng không dân dụng mới ở phía Đông Bắc đạt khoảng 20 triệu hành khách/năm. Khu vực phía Tây Nam vẫn được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Đông Bắc khi cần phải tăng công suất để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển của Cảng. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050 với 1.092,53 ha, trong đó diện tích đất dùng chung: 181,30 ha; Diện tích đất khu hàng không dân dụng: 494,43 ha; Diện tích đất khu quân sự: 416,80 ha; Diện tích đất dự phòng phát triển sau năm 2050: 379,65 ha.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu tích hợp quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân vào quy hoạch của tỉnh. Đồng thời tổ chức xác định ranh giới theo quy hoạch để bàn giao cho chính quyền địa phương và công bố công khai để nhân dân được biết. Cục Hàng không Việt Nam từng bước huy động nguồn lực triển khai đầu tư các công trình theo quy hoạch.

Hoàng Anh